Vắc-xin mới được nghiên cứu bởi các nhà khoa học đến từ đại học Oxford cho thấy bước đầu hiệu quả của trong việc phòng chống bệnh sốt rét. Loại vắc-xin này tác động vào ký sinh trùng sốt rét nguy hiểm nhất và có hiệu quả từ 71% đến 77% sau một năm tiêm chủng.
Bệnh sốt rét là gì?
Bệnh sốt rét là một trong những bệnh truyền nhiễm phổ biến nhất và là vấn đề rất nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng. Bệnh gây ra bởi ký sinh trùng Plasmodium, lây truyền từ người này sang người khác thông qua vết đốt của muỗi. Mọi người đều có thể nhiễm bệnh sốt rét. Khả năng miễn dịch với sốt rét không bền vững và yếu do vậy có thể bị tái nhiễm ngay. Không có miễn dịch chéo nên một người có thể nhiễm đồng thời hai ba loại ký sinh trùng sốt rét.
Khi điều trị đúng cách, người bị sốt rét thường có thể hồi phục hoàn toàn. Tuy nhiên, bệnh sốt rét nặng có thể tiến triển cực kỳ nhanh chóng và gây tử vong chỉ trong vòng vài giờ hoặc vài ngày. Đối với hầu hết các ca bệnh nặng phải có chế độ chăm sóc và điều trị đặc biệt, tỉ lệ tử vong có thể lên đến 20%. Bệnh sốt rét ở trẻ em gây mất máu và tổn thương não trực tiếp do sốt rét thể não. Những trẻ sống sót do sốt rét thể não có nguy cơ bị suy giảm thần kinh và nhận thức, rối loạn hành vi hoặc động kinh.
Vắc xin sốt rét
Sau nhiều thập kỷ cho kết quả không mong muốn, những phát hiện mới đã làm sống lại hy vọng về một loại vắc-xin hiệu quả chống lại bệnh sốt rét, căn bệnh giết chết khoảng 400.000 người mỗi năm trong đó hầu hết là trẻ em. Một loại vắc-xin thử nghiệm nhắm vào dạng ký sinh trùng sốt rét nguy hiểm nhất đã được phát hiện có hiệu quả từ 71% đến 77% sau 1 năm. Kết quả thu được từ cuộc thử nghiệm do các nhà nghiên cứu tại Đại học Oxford phát triển với 450 trẻ mới biết đi ở Burkina Faso. Trong 12 tháng sau khi tiêm chủng, 27% trẻ em được chủng ngừa liều cao đã phát triển bệnh sốt rét; trong nhóm đối chứng không được chủng ngừa, con số này là 72%. Các nhà điều tra nghiên cứu hiện đang lên kế hoạch thử nghiệm thu nhận 4800 trẻ em ở Burkina Faso, Mali, Kenya và Tanzania.
Hoàng Hằng
Theo Science.