Những ngày gần đây các bạn đã nghe rất nhiều về Vắc-xin COVID19 như một biện pháp số một và duy nhất để chóng COVID-19. Quỹ vắc-xin phòng chống COVID-19 của Việt Nam được rất nhiều bạn bè quốc tế đánh giá cao khi huy động được nhiều nguồn lực hướng đến mục đích người dân sẽ được tiêm vắc-xin. Nhưng liệu vắc-xin có phải là phương pháp hiệu quả nhất chống lại đại dịch COVID-19?

Hiệu quả của Vắc-xin

Tính đến 02/06/2021 đã có 6 loại vắc-xin khác nhau được Tổ chức Y tế Thế giới cho phép lưu hành. Với Quỹ vắc-xin phòng chống COVID-19, Việt Nam đã chủ trương mua vắc-xin từ nhiều nguồn khác nhau. Tuy nhiên, các vắc-xin này có hiệu quả ra sao?

Theo Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn – Giáo sư tại Viện nghiên cứu Y khoa Garvan, Úc

“Để đánh giá hiệu quả (efficacy) của vắc-xin cần qua các nghiên cứu, so sánh xác suất bị nhiễm ở người được tiêm và người không được tiêm. Dưới đây là tóm tắt hiệu quả của các vắc-xin đó như sau:

  • Pfizer/BioNtech (Mỹ): 95%
  • SinoVac (Trung Quốc): 50%
  • Johnson & Johnson (Mỹ): 72%
  • Moderna (Mỹ): 94%
  • Oxford/AstraZeneca (Anh Quốc): 70%
  • Novavax (Mỹ): 86% với biến thể B.1.1.7 (Anh) và 55% với B.1.351 (Nam Phi)
  • SinoPharm (Trung Quốc): Chưa có đánh giá

Với những kết quả nghiên cứu trên cho thấy, ứng viên đến từ Trung Quốc đang có hiệu quả thấp nhất so với các nước phương Tây”

Độ hữu hiệu của vắc-xin

Về điều này Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn đã giải thích 2 khái niệm: Độ hiệu quả và độ hữu hiệu, và với những bằng chứng khoa học đã có những nhận định dưới đây.

“Độ hiệu quả (efficacy) và mức độ hữu hiệu (effectiveness) là hai khái niệm khác nhau hoàn toàn.

Hiệu quả là thước đo tác dụng của vắc-xin trong các nghiên cứu có kiểm soát, tức là trong môi trường mà bệnh nhân được chọn lọc cẩn thận và theo dõi tốt. Còn hữu hiệu là thước đo về tác dụng của vắc-xin sau khi đã được triển khai trong cộng đồng, nơi mà nhà nghiên cứu không kiểm soát được và cũng khó theo dõi các cá nhân dùng vắc-xin. Tóm lại, hiệu quả là trong thử nghiệm, hữu hiệu là trong triển khai thực tế ngoài cộng đồng. Với một cái nhìn xa hơn và dự phòng hơn, chỉ số hữu hiệu quan trọng hơn chỉ số hiệu quả.

Hiện nay, chúng ta rất thiếu những dữ liệu về mức độ hữu hiệu của vắc-xin trong cộng đồng, bởi vì chỉ có một số ít quốc gia triển khai vắc-xin trong cộng đồng và ghi lại số liệu. Các nước triển khai vắc-xin khá sớm là Anh và Israel. Do đó, dữ liệu sơ khởi ở các nước này có thể cung cấp cho chúng ta một bức tranh tổng quát về sự hữu hiệu của vắc-xin. Tại nước Anh, theo một phân tích công bố vào tháng 4 thì trong số 365,000 hộ gia đình, một số được tiêm vắc-xin và một số chưa tiêm, thì vắc-xin Pfizer hoặc AstraZeneca giảm xác suất lây nhiễm khoảng 40 – 60% (trung bình 50%). Con số này có nghĩa là nếu một người bị nhiễm sau khi được tiêm vắc-xin, xác suất mà người đó sẽ lây cho người khác là khoảng 50% thấp hơn người không được tiêm vắc-xin.

Một câu hỏi mà nhiều người đặt ra là: nếu một người bị nhiễm và được tiêm vắc-xin thì xác suất mà người đó bị nhiễm lần nữa là bao nhiêu? Thuật ngữ dịch tễ học gọi những ca này (tái nhiễm) là “breakthrough infection” hay “nhiễm đột phá”. Tại Israel, một phân tích phát hiện gần 5000 nhiễm đột phá ở những người đã được tiêm vắc-xin Pfizer. Như có thể thấy qua các phân tích về sự hữu hiệu, vắc-xin COVID không có tác dụng ngăn ngừa 100% các ca lây nhiễm. Độ hữu hiệu thấp hơn nhiều hiệu quả lúc thử nghiệm. Tiêm vắc-xin cũng không có nghĩa là sẽ không bị lây nhiễm, và như nghiên cứu ở Israel cho thấy có gần 5000 người bị nhiễm đột phá là điều cần chú ý”

Bằng chứng hiện tại cho thấy vắc-xin COVID-19 hiện có có hiệu quả trong việc ngăn chặn bệnh tật, nhưng chúng ta vẫn chưa biết liệu chúng có ngăn ngừa được người bị nhiễm virus hay không. Điều này có nghĩa là việc tiêm vắc-xin sẽ ngăn bạn bị bệnh, nhưng nó có thể không ngăn bạn truyền virus sang người khác vì bản chất bạn vẫn mang virus trong người nhưng chưa đủ biểu hiện thành bệnh.

Vậy đâu là phương pháp hiệu quả nhất chống COVID-19

Chúng ta đều biết, cần phải thực hiện song song 2 nhiệm vụ đó là chống dịch và ổn định phát triển kinh tế. Vì vậy, ngoài việc trang bị vắc-xin cho người dân, chúng ta không thể lơ là việc cách ly y tế công cộng. Việc cách ly y tế công cộng sẽ được giảm thiểu tới mức tối thiểu nếu chúng ta tiêm vắc-xin cho khoảng 70% người dân. Tuy nhiên, có lẽ phải mất từ 6 đến 9 tháng để có thể hoàn thành mục tiêu trên, ngay cả trong trường hợp nguồn cung cấp vắc-xin được đảm bảo theo cam kết trong hợp đồng của các nhà chung cấp.

Theo Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, chúng ta cần nhìn nhận kỹ bài học từ nước Úc. Các giải pháp cụ thể bao gồm đóng cửa biên giới, giới hạn giao thông công cộng (xe điện, bus), đóng cửa toàn quốc, hạn chế tụ tập dưới 50 người, v.v. Trong tất cả các phương cách này, khoa học chỉ ra rằng giới hạn tụ tập và hạn chế đi lại ở những vùng có ổ dịch là hữu hiệu nhất. ‘Giới hạn’ ở đây có nghĩa là trong một thời gian nhất định.

Vắc-xin có tác dụng chính là giúp bạn không mắc bệnh nhưng không chắc chắn ngăn ngừa được người khác có nhiễm virus từ bạn hay không? Vì vậy, nhìn trên phương diện y học dự phòng thì tôi cho rằng ở thời điểm hiện tại cách ly y tế công cộng là phương pháp chống dịch hiệu quả nhất.

Theo một nghiên cứu mới đây được đăng tải trên tạp chí Science (https://science.sciencemag.org) thì nếu giới hạn mọi người tụ tập từ 10 người trở xuống thì sẽ có hiệu quả tốt nhất. Như tôi đã giải thích ở trên thì hiệu quả tức là giảm chỉ số lây lan xuống mức thấp nhất. Vì vậy biện pháp tốt nhất bây giờ chính là không tụ tập đông người, cụ thể ở đây là dưới 10 người. Đồng thời, người dân cần có ý thức cao về việc thực hiện khẩu hiệu 5K của chính phủ. Việc thực hiện song song giữa cách ly y tế cộng cộng, thực hiện 5K và triển khai tiêm vắc-xin mới là phương pháp hiệu quả nhất phòng, chống COVID-19.

Hoàng Cường (tổng hợp từ nhiều nguồn)