Theo thống kê của Globocan năm 2020, tình hình mắc và tử vong do ung thư trên toàn thế giới đều có xu hướng tăng. Tại Việt Nam, ước tính có 182.563 ca mắc mới và 122.690 ca tử vong do ung thư. Hiện tại, ung thư tuyến giáp đang xếp thứ 9 trong các loại ung thư phổ biến nhất Việt Nam với hơn 5.400 ca mắc mới mỗi năm.

Tuyến giáp là gì?

Tuyến giáp là một tuyến nội tiết có hình cánh bướm ở vùng phía trước và dưới cổ. Tuyến giáp có 2 thùy: thùy trái và thùy phải, nối với nhau bằng eo giáp trạng, thùy phải thường lớn hơn thuỳ trái. Ở người trưởng thành bình thường tuyến giáp có kích thước dài từ 3 – 7 cm, rộng từ 3 – 4 cm, dày từ 1- 2 cm, với trọng lượng khoảng 20 – 30 gram, mật độ mềm màu đỏ sẫm. Tuyến giáp ở nam giới thường nặng hơn nữ giới.

Tuyến giáp gồm những đơn vị cấu tạo là nang giáp. Các tế bào của nang giáp bài tiết 2 hormon là Tri – iodothyronin (T3) và Tetra – iodothyronin (T4). Tuyến giáp có chức năng tiết ra hóc-môn và được vận chuyển đến từng mô trong cơ thể. Hóc-môn tuyến giáp giúp cơ thể sử dụng năng lượng; giữ ấm cơ thể; giúp não, tim và các cơ quan khác làm việc trong trạng thái ổn định.

Hình ảnh Tuyến Giáp. Nguồn: Internet

Ung thư tuyến giáp và nguyên nhân

– Ung thư tuyến giáp là gì?

Ung thư tuyến giáp xảy ra khi những tế bào bình thường ở tuyến giáp biến đổi thành những tế bào bất thường và phát triển không tuân theo sự kiểm soát của cơ thể.

– Ung thư tuyến giáp được chia thành các thể:

  • Ung thư tuyến giáp thể nhú: Tỉ lệ mắc ung thư tuyến giáp thể nhú chiếm từ 70-80%, thể này tiến triển chậm và thường hay di căn hạch cổ. Tuy nhiên, không giống như các loại ung thư khác mặc dù có di căn hạch nhưng ung thư tuyến giáp thể nhú vẫn có tiên lượng rất tốt.
  • Ung thư tuyến giáp thể nang: Chiếm từ 10-15% ung thư tuyến giáp. Cũng giống như thể nhú, thể nang có thể di căn hạch cổ nhưng tốc độ tiến triển nhanh hơn và có thể di căn xa vào xương, phổi.
  • Ung thư tuyến giáp thể tủy: Tỉ lệ mắc ung thư này thường chiếm từ 5-10%. Nguyên nhân mắc ung thư thường liên quan đến di truyền trong gia đình và  các vấn đề nội tiết.
  • Ung thư tuyến giáp thể không biệt hóa: đây là thể ác tính nhất của ung thư tuyến giáp, đồng thời đáp ứng điều trị kém nhất, thường chỉ chiếm dưới 2% tỉ lệ mắc.

– Nguyên nhân ung thư tuyến giáp là gì?

  • Hệ miễn dịch bị rối loạn: Hệ miễn dịch có tác dụng sản xuất ra các kháng thể, khi hệ miễn dịch bị rối loạn, chức năng đó sẽ bị suy giảm, tạo cơ hội cho các loại vi khuẩn, virus có hại tấn công vào cơ thể, bao gồm cả tuyến giáp.
  • Nhiễm phóng xạ: Cơ thể có thể bị nhiễm phóng xạ từ bên ngoài khi đang tia phóng xạ để điều trị bệnh hoặc từ môi trường sống.
  • Di truyền: Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng có khoảng 70% bệnh nhân ung thư tuyến giáp có người trong gia đình đã từng mắc bệnh.
  • Tuổi tác, thay đổi hormone: Theo thống kê, hiện bệnh nhân mắc bệnh chủ yếu nằm trong độ tuổi từ 30-50 tuổi. Và phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 2 – 4 lần so với nam giới.
  • Mắc bệnh tuyến giáp: Những bệnh nhân bị bướu giáp, bệnh basedow hoặc hormone tuyến giáp mãn tính có nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp cao hơn những người khác. Hoặc những người đã từng mắc bệnh viêm tuyến giáp, dù đã điều trị khỏi những nguy cơ tái phát bệnh rất cao.

Ngoài ra, một số yếu tố khác như: thiếu i-ốt, uống rượu thường xuyên trong thời gian dài, thói quen hút thuốc lá, thừa cân béo phì,… cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư tuyến giáp.

Nguyên nhân mắc ung thư tuyến giáp. Nguồn: Internet

Nhận biết ung thư tuyến giáp như thế nào?

Ung thư tuyến giáp thường không có triệu chứng điển hình.Các phương pháp nhận biết ung thư tuyến giáp chủ yếu được phát hiện tình cờ trên siêu âm hoặc CT khi đi khám các bệnh khác. Trong một số trường hợp bệnh nhân tự phát hiện qua các dấu hiệu như:

  • U vùng cổ to lên bất thường
  • Có biểu hiện đau cổ
  • Khó thở hoặc khó nuốt
  • Khàn tiếng
  • Sờ thấy hạch cổ

Phương pháp điều trị I-131 có gì đặc biệt?

– I-131 là gì?

I-131 là một đồng vị phóng xạ quan trọng của i-ốt được phát hiện bởi Glenn Seaborg và John Livingood vào năm 1938 tại Đại học California, Berkeley. I-131 được sử dụng nhiều trong điều trị ung thư tuyến giáp do khả năng tiêu diệt các mô tuyến giáp ngăn chặn tình trạng di căn.

I-131 là gì?

– Phương pháp I-131 là gì?

Phương pháp I-131 đây là phương pháp sử dụng một lượng nhỏ I-131 để đưa vào cơ thể bệnh nhân ung thư tuyến giáp nhằm phá hủy những mô còn lại sau phẫu thuật tuyến giáp. Khi

I -131 được hấp thu vào cơ thể sẽ có tác dụng phá hủy ADN và làm chết tế bào tuyến giáp. Điểm đặc biệt của phương pháp phóng xạ này là ít tác động đến các cơ quan khác trong cơ thể.

Chăm sóc bệnh nhân sau điều trị I-131

Bệnh nhân sau điều trị I-131 cần theo dõi định kỳ bởi u tuyến giáp có thể tái phát sau điều trị. Bên cạnh đó bệnh nhân cần điều trị thuốc hóc-môn tuyến giáp (levothyroxine)  từ sau khi cắt mổ tuyến giáp đến hết đời. Liều lượng thuốc hóc-môn phụ thuộc vào giai đoạn của bệnh.

Chăm sóc bệnh nhân sau điều trị I-131. Nguồn: Internet

Ngoài ra, việc tạo môi trường yên tĩnh và thoải mái cho người bệnh, đảm bảo chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng và hợp lý giúp bệnh nhân nhanh chóng phục hồi sau thời gian  trong thời gian điều trị I-131.

Nguồn tham khảo:Cổng thông tin Bộ Y Tế, Bệnh viện 108,Bệnh viện K

Hoài An