Sâu róm là loài vật thường trốn dưới bề mặt lá nên rất dễ sơ ý chạm phải, với làn da mỏng manh của trẻ có thể dẫn tới đau, rát ngứa, sưng phồng tại chỗ, trường hợp xấu có thể dẫn tới nhiễm trùng, thậm chí sốc phản vệ. Vậy xử lí như thế nào cho tốt và giảm thiểu hậu quả.

Làm gì khi không may trẻ có tiếp xúc với sâu róm?

Sâu róm là loài sâu có nhiều lông dài với màu sắc sặc sỡ khác nhau. Loài vật này dễ gây chú ý với một số trẻ nhỏ vì vẻ bên ngoài “đáng yêu”, tuy nhiên chúng gây những cảm giác vô cùng khó chịu khi trẻ vô tính chạm “yêu” vào chúng. Khi đó lông của sâu sẽ cắm lên da gây các triệu chứng kích ứng với những mức độ khác nhau.

Sâu róm đỏ có hình dáng bên ngoài bắt mắt và thu hút trẻ. Nguồn Internet

Trong trường hợp này cha mẹ hãy lấy một miếng băng dính dán lên vùng da tiếp xúc với loài côn trùng này của trẻ rồi bóc ra. Lặp lại vài lần với các miếng băng dính khác nhau cho đến khi bạn lấy được hết lông bám trên da ra.

Dùng băng dính rất hiệu quả trong việc loại bỏ lông sâu róm khỏi da. Nguồn Internet

Nếu không có băng dính bạn cũng có thể dùng nhíp gắp lông của sâu róm. Mẹo để thực hiện việc này dễ dàng hơn là hãy đưa vùng da bị sâu róm lên các nguồn sáng hoặc chiếu đèn pin gần khu vực da đó để dễ dàng nhận biết những sợi lông.

Tuyệt đối không dùng tay trần để loại bỏ lông sâu róm.

Sau khi đã loại bỏ được hết lông bám trên da của trẻ, hãy nhẹ nhàng rửa lại bằng nước và xà phòng.

Nếu trẻ cảm thấy ngứa, bạn hãy chấn an và hạn chế trẻ gãi vào vết thương. Dùng khăn bọc đá lạnh chườm lên vị trí ngứa sẽ giúp giảm đau và giảm sưng cho trẻ.

Nếu trẻ có cơ địa dị ứng, cha mẹ phải theo dõi các dấu hiệu dị ứng toàn thân (vết đỏ lan dần, sốt, khó thở….). Nếu trẻ có bất cứ dấu hiệu nào hãy đưa trẻ tới cơ sở y tế ngay.

Nên và không nên

Dùng vải, quần áo hay khăn mặt lau?

Việc dùng vải, quần áo hay khăn mặt lau  vùng tiếp xúc với sâu róm, sẽ làm cho lông cắm sâu hơn vào da.

Lấy ruột con sâu róm bôi vào vết thương?

Việc này không có tác dụng, hơn nữa đường ruột là nơi ký sinh của nhiều vi khuẩn có thể làm nhiễm trùng vết thương.

Dùng nắm xôi nóng lăn qua lăn lại vùng da bị tiếp xúc với sâu róm?

Việc này cũng có tác dụng loại bỏ lông của sâu róm ra khỏi da tương tự khi chúng ta dùng băng dính. Tuy nhiên xôi nóng có thể làm bỏng da và gia tăng cảm giác bỏng rát của vết thương.

Bôi nước vôi trong có làm dịu vết thương?

Việc này cũng không có tác dụng hơn nữa cũng có nguy cơ làm vết thương thêm bỏng, rát.

Hơ nóng miếng vải hay thanh tre áp vào vết thương?

Nhiệt độ làm giảm tác dụng của các enzyme trong chất độc của sâu, từ đó làm giảm bớt tình trạng phỏng rát. Tuy nhiên không nên dùng vải hay thanh tre vì cha mẹ sẽ khó kiểm soát được nhiệt độ, nguy cơ gây bỏng cho trẻ, tốt hơn nên ngâm vùng da bị dính sâu róm vào nước ấm khoảng 50-60 độ trong 5-10 phút.

Dự phòng bị “dính” sâu róm

Một số loài cây rất hay có sâu róm mà bạn nên tránh khi cho con trẻ tiếp xúc ví dụ như: cây roi, cây chuối tây, một số loại cây rau thơm như tía tô, kinh giới…

Mùa xuân, mùa mưa là mùa cây cối phát triển và cũng là môi trường cho sâu róm phát triển mạnh nên hãy chú ý cắt tỉa, bắt và diệt sâu cho cây cối quanh nhà để tránh nguy hiểm cho trẻ. Nếu quá nhiều sâu róm trong vườn bạn nên nghĩ đến chuyện phun thuốc trừ sâu.

Cho trẻ mặc áo dài tay hoặc đội nón rộng vành khi đi chơi nơi có cây cảnh.

Không treo quần áo ngoài vườn vì lông sâu róm có thể dính vào.

Đào Thị Diễm My