Khi cả thế giới đang giành sự quan tâm, nguồn lực để phòng chống đại dịch Covid-19, thì một căn bệnh vẫn đang âm thầm phát triển. Căn bệnh này là một trong những nguyên nhân tăng tỷ lệ tử trong đại dịch nhưng lại bị ngó lơ – Bệnh tiểu đường (đái tháo đường)

Căn bệnh toàn cầu

Trong 20 năm qua, số bệnh nhân tiểu đường trên thế giới đã tăng lên gấp đôi. Sự tăng lên nhanh chóng này không chỉ ở con số, mà còn là sự tăng lên về nhóm đối tượng. Bệnh tiểu đường hiện không chỉ dừng ở nhóm đối tượng thường thấy là người già, mà đã còn là đối tượng trẻ em, thanh thiếu niên. 

Theo thống kê của Hiệp hội đái tháo đường quốc tế IDF (International Diabetes Federation), năm 2019 thế giới có 463 triệu người mắc bệnh đái tháo đường tuýp 2. Cũng theo IDF 2019, 62 nghiên cứu từ 49 quốc gia cho thấy có 373,9 triệu người trong độ tuổi 20 đến 79 mắc đái tháo đường (bệnh tiểu đường) trên toàn thế giới. 

Hiện nay, rất nhiều người đang sống với bệnh tiểu đường  type 2 trong một thời gian dài mà không nhận biết được tình trạng bệnh của họ. Đến khi được chẩn đoán, thường đã kèm theo các biến chứng của bệnh. Dự đoán vào năm 2040, số người mắc bệnh tiểu đường sẽ tăng tới khoảng 642 triệu người, hay nói cách khác cứ 10 người thì có 1 người mắc bệnh đái tháo đường. 

Tăng nguy cơ tử vong khi mắc Covid 19 ở bệnh nhân tiểu đường

Theo một số nghiên cứu về bệnh nhân Covid-19, tại Trung Quốc bệnh đái tháo đường  là bệnh lý đi kèm xuất hiện tại 22% các ca tử vong tại nước này. Ngoài ra, tại một số công bố cho thấy, 12-16.2% bệnh nhân nặng có mắc bệnh đái tháo đường.

Một phân tích gần đây trên 909 bệnh nhân COVID-19 qua đời ở Ý cho thấy bệnh tiểu đường là bệnh đi lý nền phổ biến thứ hai (31,5%) sau tăng huyết áp (73,5%). Tính đến ngày 27/3 Tây Ban Nha, đã có 5.466 trường hợp tử vong được công bố, trong đó tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường là 12%. Tại Romania, trong số 69 bệnh nhân tử vong tính đến cuối tháng 3 thì có hơn một nửa mắc các bệnh tim mạch và đái tháo đường.

Tiểu đường type 2 tăng nguy cơ mắc COVID-19

Theo TS. BS Nguyễn Quang Bảy, Khoa Nội tiết – Bệnh viện Bạch Mai, có 3 nguyên nhân chính khiến bệnh nhân đái tháo đường dễ bị biến chứng nặng khi mắc Covid-19: 

  • Hệ miễn dịch ở bệnh nhân đái tháo đường yếu, khó đánh bại virus, làm kéo dài quá trình hồi phục.
  • Bệnh nhân có biến chứng hoặc bệnh đi kèm như bệnh tim mạch, tăng huyết áp… làm bệnh nặng thêm.
  • Đường huyết cao cũng có thể là môi trường tốt cho virus phát triển.

Điều này cho thấy bệnh tiểu đường (đái tháo đường) không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, mà còn là nguyên nhân gián tiếp tăng tỉ lệ tử vong ở bệnh nhân nhiễm Covid-19 trong thời điểm hiện tại. Vì vậy tiểu đường (đái tháo đường) là bệnh lý cần thực hiện dự phòng song song khẩn cấp. 

Sự xuất hiện bệnh tiểu đường type 2 ở thanh thiếu niên

Theo những báo cáo y khoa gần đây, bệnh tiểu đường đang có những thay đổi nhất định. Nếu như trước đây, bệnh tiểu đường type 2 được cho là hội chứng rối loạn chuyển hóa ở người trung niên và cao tuổi. Thì hiện nay, bệnh tiểu đường đã xuất hiện cả ở đối tượng trẻ em và thanh thiếu niên. 

Từ năm 1995 đến năm 2007, tỷ lệ mắc bệnh tiểu đường type 2 hàng năm ở trẻ em dưới 15 tuổi đã tăng gấp 5 lần. Tình trạng béo phì – một trong những nguyên nhân dẫn đến bệnh tiểu đường ngày càng tăng ở các nước châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ… Hiện nay các quốc gia đã có những chương trình giảm tỷ lệ béo phì, tuy nhiên nếu không có những biện pháp quyết liệt hơn, tỷ lệ tiểu đường type 2 ở người trẻ có thể tăng hơn nữa. 

Thách thức khi người trẻ mắc bệnh tiểu đường ngày càng tăng không chỉ là ảnh hưởng đến cuộc sống cá nhân trong thời gian dài, mà còn là việc thay đổi lối sống và tuân thủ trong điều trị bệnh của bệnh nhân thường không dễ dàng.

Tiểu đường type 2 dần xuất hiện ở người trẻ

Nguyên nhân bệnh tiểu đường ngày càng đa dạng

Trong 5 thập kỷ qua, những thay đổi về lối sống và toàn cầu hóa là nguyên nhân dẫn đến những thay đổi không chỉ về chính trị hay xã hội mà còn là lối sống, hành vi con người. 

Dưới đây là những nguyên nhân phổ biến dẫn đến bệnh tiểu đường:

  • Thừa cân, béo phì: Tình trạng này cộng với áp lực công việc, cuộc sống là nguyên nhân chủ yếu, rất dễ dẫn đến bệnh tiểu đường. Các nhà khoa học đã đưa ra kết luận, mỡ bụng tích tụ nhiều đi kèm với stress thường xuyên có thể làm tăng nguy cơ tiểu đường.
  • Ít vận động: Theo các nghiên cứu, những người ít vận động có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao gấp 3 lần những người lao động chân tay.
  • Ăn quá nhiều thịt đỏ: Việc ăn nhiều thịt đỏ, đặc biệt là thịt lợn muối, thịt xông khói, xúc xích có thể làm tăng nguy cơ tiểu đường tuýp 2.
  • Thiếu ngủ: Theo các chuyên gia thuộc Đại học Boston (Mỹ), những người ngủ ít hơn 5 giờ mỗi ngày có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao gấp đôi so với người ngủ 7-8 giờ.
  • Bỏ ăn sáng: Cũng trong một nghiên cứu gần đây, các chuyên gia Úc đã phát hiện những người thường bỏ qua bữa ăn sáng có thể bị hạ đường huyết đột ngột, khiến họ thèm ăn món ngọt. Việc giải tỏa cơn thèm sẽ làm đường huyết tăng đột ngột và kích thích sản sinh insulin quá mức, gây ra bệnh tiểu đường.

Ngoài ra, các nguyên nhân về tình trạng bệnh lý, di truyền cũng là yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh tiểu đường như:

  • Gia đình có người mắc bệnh tiểu đường
  • Bị tiểu đường thai kỳ, bệnh sử buồng trứng đa nang
  • Mắc bệnh sỏi thận: Người bị bệnh này có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường lên tới 30%

Trịnh Tâm

Theo: The Lance, Cục Khám chữa bệnh – Bộ Y Tế