Paracetamol hay thuốc giảm đau hạ sốt là loại thuốc khá quen thuộc, được sử dụng rộng rãi. Nhưng ít ai biết rằng loại thuốc này cũng có thể gây ngộ độc và ảnh hưởng tới tính mạng nếu như sử dụng quá liều.
Thuốc giảm đau, hạ sốt – Paracetamol là gì?
Paracetamol là một hoạt chất dược lý học và là thành phần chính của nhiều loại thuốc có tác dụng giảm đau, hạ sốt, thuốc điều trị cảm cúm, sốt được sử dụng rộng rãi và có thể mua ở nhà thuốc mà không cần kê đơn của bác sĩ với số lượng mua không giới hạn.
Tuy nhiên, paracetamol có thể gây ngộ độc gan khi được sử dụng không đúng cách, nhất là các trường hợp dùng trong hạ sốt, paracetamol được sử dụng lặp lại gây quá liều. Do paracetamol được chuyển hóa sinh ra một chất gây độc cho tế bào gan và cần được cơ thể tiết ra chất trung hòa, nếu lượng chất này sinh ra quá nhiều, cơ thể không kịp xử lý thì dẫn đến tình trạng ngộ độc.
Thời gian gần đây ngày càng ghi nhận nhiều trường hợp trẻ nhỏ bị ngộ độc Paracetamol, phải nhập viện trong tình trạng suy gan, nhiễm độc gan có thể dẫn tới tình trạng nguy kịch nếu như không được cấp cứu kịp thời. Lý do lại hết sức đơn giản là vì bị sốt và cha mẹ cho dùng paracetamol liên tục khi chưa thấy con hạ sốt.
Ngộ độc Paracetamol xảy ra khi nào?
Paracetamol được chỉ định sử dụng với liều 10mg/kg cân nặng cơ thể, khi liều dùng vượt quá 15mg/kg cân nặng có thể gây ra tình trạng ngộ độc.
Điều này tương đương với một người lớn nặng 50kg sử dụng 750mg paracetamol. Liều tối đa của paracetamol là 1000 mg/lần và không quá 4000 mg/ngày. Tình trạng ngộ độc gan do sử dụng quá liều Paracetamol đặc biệt nguy hiểm ở bệnh nhân có sẵn bệnh lý gan mạn tính, trường hợp này tổn thương tế bào gan có thể xảy ra khi thậm chí sử dụng dưới liều 10mg/kg cân nặng.
Biểu hiện ngộ độc paracetamol?
Các biểu hiện nhẹ như buồn nôn, chán ăn, khó chịu của ngộ độc paracetamol có thể xuất hiện từ 10 phút đến 24 giờ sau khi uống. Các biểu hiện nặng như viêm gan và suy gan có thể xảy ra sau 1-3 ngày dùng quá liều paracetamol.
Các biểu hiện này thường khó được nhận biết vì tương đối giống với các biểu hiện của cảm, cúm, sốt, đau….vốn là nguyên nhân bắt đầu việc sử dụng paracetamol.
Nhìn chung ngộ độc paracetamol chia làm 4 giai đoạn
- Giai đoạn 1 sau uống từ 30 phút đến 24 tiếng, với các biểu hiện là chán ăn, buồn nôn, nôn, vã mồ hôi, khó chịu.
- Giai đoạn 2 sau uống từ 24 tiếng đến 72 tiếng, với các biểu hiện là chán ăn, buồn nôn, nôn ít hơn giai đoạn 1, có thể đau hạ sườn phải.
- Giai đoạn 3 sau uống từ 72 – 96 tiếng, lúc này tế bào gan bắt đầu bị hoại tử, rối loạn đông máu, suy thận và bệnh lý não do gan. Có thể tử vong do suy đa tạng.
- Giai đoạn 4 sau uống từ 4 – 14 ngày: Ở giai đoạn này, nếu bệnh nhân còn sống thì chức năng gan sẽ hồi phục hoàn toàn và sau 30 ngày. Trường hợp ngộ độc nặng có thể kéo dài hơn.
Nếu nghi ngờ người thân có dấu hiệu ngộ độc như chán ăn, buồn nôn, nôn, vã mồ hôi, khó chịu khi đang sử dụng các thuốc có chứa paracetamol hãy đưa họ tới cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị.
Liều dùng paracetamol, điều nên ghi nhớ trong tủ thuốc gia đình
Thuốc có có chứa thành phần chủ yếu là paracetamol liều sử dụng được
khuyến cáo dành cho người lớn là 4 - 6 viên/ngày (hàm lượng paracetamol
500 mg/viên). Tốt nhất là chỉ nên uống ở liều 4 viên trong 24 giờ.
Hãy ghi nhớ điều này hoặc viết vào sổ tay tủ thuốc gia đình của bạn.
Nếu bệnh nhân sau khi sử dụng paracetamol theo đúng liều hướng dẫn mà các không cải thiện được tình trạng sốt hoặc giảm đau thì bệnh nhân cần được đưa đến bệnh viện để được hỗ trợ bằng các biện pháp khác, KHÔNG được tự ý tăng liều paracetamol.
Các thuốc có thể kết hợp và cần tránh kết hợp với Paracetamol để tránh ngộ độc
Một số thuốc thường kết hợp với paracetamol trong điều trị như:
- Ibuprofen kết hợp với paracetamol trong trường hợp điều trị đau có kèm theo viêm.
- Kết hợp Paracetamol với Codein trong trường hợp điều trị giảm đau sau mổ, đau vừa hay cảm cúm có hiện tượng ho đi kèm.
- Kết hợp Paracetamol với Clorpheniramin trong trường hợp điều trị cảm cúm.
Một số loại thuốc cần tránh kết hợp với Paracetamol
- Paracetamol sử dụng cùng với các loại đồ uống có cồn như rượu, bia hay kết hợp với một số loại thuốc chống co giật có thể gây nguy hại cho gan.
- Paracetamol sử dụng cùng với một số thuốc giảm huyết áp có thể dẫn đến tăng huyết áp hay hạ nhiệt đột ngột.
Tuy nhiên, việc sử dụng bất kể loại thuốc nào hay kết hợp thuốc thì đặc biệt nên được sự tư vấn chỉ định từ bác sĩ. Tuyệt đối không tự sử dụng thuốc.
Phòng tránh ngộ độc Paracetamol
- Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng thuốc. Đọc kỹ thành phần của thuốc khi uống, tránh uống nhiều loại thuốc cùng có hoạt chất là paracetamol cùng một thời điểm.
- Không sử dụng thuốc khi không đau nhức, sốt cao trên 38,5 độ. Nếu sốt kéo dài không hạ trong khoảng thời gian chưa được tiếp tục sử dụng paracetamol, có thể kết hợp chườm ấm để hạ sốt.
- Cân nhắc sử dụng kết hợp paracetamol và các thuốc khác có cùng tác dụng để hạn chế quá liều paracetamol.
- Không sử dụng Paracetamol để điều trị giảm đau quá 10 ngày đối với người lớn và 5 ngày đối với trẻ em, trừ khi có chỉ định của bác sĩ.
- Paracetamol chỉ có tác dụng sau khi uống từ 15 – 30 phút và tác dụng tối đa từ 3 đến 4 giờ. Vì vậy, liều lượng thuốc nên sử dụng cách nhau ít nhất 4 giờ.
- Nghiêm cấm uống bia, rượu trong quá trình sử dụng paracetamol.
- Chống chỉ định dùng Paracetamol đối với những người người say rượu; người mắc các bệnh liên quan đến tim mạch, phổi, thận, gan; người bị thiếu máu.
- Sử dụng Paracetamol trong bữa ăn, thức ăn có thể làm ảnh hưởng tới khả năng hấp thụ của thuốc. Do vậy, nên sử dụng thuốc cách bữa ăn từ 30 phút đến 1 giờ. Uống thuốc cùng với nước ấm sẽ làm tăng khả năng hấp thụ của thuốc.
- Các loại thuốc nói chung và paracetamol nói riêng cần để xa tầm tay trẻ em
Theo Vinmec.com
Diễm My