17h30 ngày 17/7 tại Công ty TNHH MIWON Việt Nam, ở thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, đã xảy ra vụ ngạt khí làm bốn người t.ử v.ong, một người đang được cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ.

Theo thông tin ban đầu từ phía Công ty TNHH MIWON Việt Nam, công ty có thuê một đơn vị môi trường độc lập ở Hà Nội đến vệ sinh hố gas vi sinh của Công ty TNHH MIWON Việt Nam. Trong quá trình vệ sinh, hai công nhân của công ty môi trường này bị ngạt khí và đã hô hoán cứu trợ. Nghe thấy tiếng hô hoán dưới hố gas, 3 lao động thuộc bộ phận lò hơi của Công ty TNHH MIWON Việt Nam đang làm việc gần đó đã đến và nhảy xuống ứng cứu. Tuy nhiên, cả 5 người đều bị ngạt khí, ngất đi.

Ngay sau đó, Công ty TNHH MIWON Việt Nam điện báo cho lực lượng chức năng để ứng cứu. Tuy nhiên, 3 người được xác định tử vong trước khi đưa vào bệnh viện, một người tử vong tại bệnh viện. Một người đang được cấp cứu, hiện đã qua cơn nguy kịch.

Các vụ việc liên quan đến ngạt khí không còn hiếm gặp trong cộng đồng. Tuy nhiên đâu là nguyên nhân? Những lưu ý gì để tránh những tai nạn đáng tiếc như vậy xảy ra?

❓Nguyên nhân dẫn đến ngạt khí?

Các nhà chuyên môn khẳng định, nguyên nhân chính dẫn tới ngạt khí là cacbon không màu, không mùi, có nhiều ở những nơi có sự phân hủy các chất hữu cơ. Các nạn nhân chết vì thiếu oxy và hít phải các khí độc (CO, CO2, CH4, H2S…) tích tụ lại trong lớp nước dưới đáy giếng/lò/hầm.

Đặc biệt, tại các hầm khí biogas, khí được sinh ra khi xác động vật và các chất hữu cơ lên men trong điều kiện hiếm khí. Khí biogas gồm khoảng 60% mêtan (CH4), 40% carbonic (CO2) và dưới 1 % H2S.

👉 Phòng ngạt khí như thế nào?

– Bước 1: Trước khi xuống giếng/lò/hầm: Cần có biện pháp kiểm tra an toàn giếng xem giếng có khí độc không trước khi xuống. Có thể thắp một ngọn nến, hay ngọn đèn, đưa dây thả dần xuống sát mặt nước dưới đáy giếng trước, nếu ngọn nến vẫn cháy sáng bình thường là không khí dưới đáy vẫn đủ oxy để thở. Trái lại, nếu ngọn nến chỉ cháy leo lét rồi tắt thì không nên xuống vì không khí dưới đáy giếng/lò/hầm thiếu oxy, và có nhiều khí CO2 hoặc các khí độc khác.

– Bước 2: Làm thông thoáng khí dưới đáy giếng/lò/hầm trước khi xuống. Có thể cắt một cành cây to nhiều lá buộc dây dài thả xuống đáy, rồi rút lên thả xuống nhiều lần trước khi cho người xuống. Hoặc có thể bơm khí để tạo sự thông thoáng vào trao đổi ôxy khí trời trước khi xuống giếng.

Tuy nhiên các phương pháp trên chỉ áp dụng đối với một số trường hợp nhất định và tính an toàn không cao và chưa xác định được chính xác thời gian an toàn khi xuống giếng. Do đó khi áp dụng các phương pháp trên thì khi xuống giếng người xuống cần đeo dây bảo hiểm và có người ở trên miệng giếng kéo lên khi có sự cố.