Theo Luật An Toàn Vệ Sinh Lao Động (ATVSLĐ), sơ cấp cứu tại nơi làm việc là trách nhiệm của người sử dụng lao động, người thuê lại lao động và cán bộ y tế lao động, bộ phận y tế  khi xảy ra tình trạng người lao động bị tai nạn hoặc bị bệnh nghề nghiệp.

Điều này có ý nghĩa quan trọng ở chỗ người lao động được chăm sóc, bảo vệ ngay tại vị trí và thời điểm xảy ra tai nạn, bị bệnh nghề nghiệp, làm giảm thiểu các nguy cơ ảnh hưởng tới chất lượng điều trị sau đó cũng như giảm thiểu tác hại xấu đến sức khỏe của người lao động.

Thậm chí việc sơ cấp cứu ban đầu còn có thể cứu sống được những người lao động bị tai nạn, bệnh nghề nghiệp nặng như đột quỵ, ngộ độc, ngất xỉu khi tiếp xúc với môi trường độc hại hoặc bị tai nạn gây thương tích nặng, mất nhiều máu.

Người làm công tác y tế, bộ phận y tế tại cơ sở đóng vai trò rất quan trọng trong việc sơ cấp cứu tại nơi làm việc.

Theo mục a, Khoản 2, Điều 73 Luật ATVSLĐ, người làm công tác y tế và bộ phận y tế tại nơi làm việc không chỉ có nhiệm vụ xây dựng phương án, phương tiện sơ cứu, cấp cứu, thuốc thiết yếu và tình huống cấp cứu tai nạn lao động, mà phải tiến hành sơ cứu, cấp cứu người bị tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động.

Luật ATVSLĐ cũng quy định người sử dụng lao động có trách nhiệm kịp thời sơ cứu, cấp cứu cho người lao động bị tai nạn lao động và phải tạm ứng chi phí sơ cứu, cấp cứu, điều trị cho người lao động bị tai nạn hoặc bệnh nghề nghiệp.

Đồng thời có trách nhiệm chi phí y tế từ khi sơ cấp cứu đến khi điều trị ổn định cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp (Khoản 1, Điều 38).

Theo điểm b, Khoản 2, Điều 65 bên thuê lại lao động cũng có trách nhiệm phải sơ cứu, cấp cứu cho người lao động được thuê lại khi họ bị tai nạn lao động tại nơi làm việc của mình và phải thông báo ngay với doanh nghiệp cho thuê lao động và thực hiện khai báo, điều tra theo quy định tại Điều 34 và Điều 35 của Luật này.

Điều đáng lo ngại là trên thực tế tình trạng tai nạn lao động vẫn đang diễn ra ở mức độ nghiêm trọng.

Theo báo cáo chưa đầy đủ của 63 Sở Lao động – Thương binh và Xã hội năm 2015 trong khu vực có quan hệ lao động trên toàn quốc đã xảy ra 629 vụ tai nạn lao động chết người.

Sau khi nhận được 238 biên bản điều tra của 261 người chết vào ngày 15/2/2016, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã tiến hành phân tích, đưa ra những đánh giá rất hữu ích cho công tác sơ cấp cứu tại nơi làm việc.

Theo đó, loại hình công ty cổ phần chiếm nhiều nhất vụ tai nạn và số người chết (40, 2% và 40,1%); lĩnh vực xây dựng có nhiều vụ tai nạn và số người chết nhất (35,2% và 37,9%); các yếu tố chấn thương chủ yếu ngã từ trên cao xuống, điện giật và vật rơi, đổ sập.

Đáng lưu ý nhất qua phân tích cho thấy, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến xảy ra tai nạn lao động chết người là do người sử dụng lao động, chiếm tới 52,8% số vụ.

Trong đó có hai nguyên nhân trực tiếp liên quan đến trách nhiệm sơ cấp cứu là việc người sử dụng lao động không tổ chức huấn luyện an toàn lao động (9,7%) và không trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động (1%).

Hai nguyên nhân này cũng là nguyên nhân gián tiếp góp phần gây nên 18,9% số vụ tai nạn chết người do bản thân người lao động gây ra; bởi trong đó có  17,2% do người vi phạm quy trình và 1,7% do người lao động không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân.

Thực tế trên cho thấy, nếu người lao động chủ động nghiên cứu Luật ATVSLĐ, biết đòi hỏi những quyền về sơ cấp cứu tại nơi làm việc, từ đó tuân thủ các quy định này, thì sẽ tự bảo vệ được mình trong quá trình làm việc.

Đặc biệt, nếu người sử dụng lao động tuân thủ đầy đủ  các quy định pháp luật về bảo đảm an toàn vệ sinh lao động, trong đó có những quy định về sơ cấp cứu thì sẽ giảm thiểu được hơn 50% số vụ chết người do tai nạn lao động.

Điều này không chỉ giúp người sử dụng lao động giảm thiểu chi phí trợ cấp cho người lao động chết do tai nạn, mà còn bảo vệ được sức khỏe, cuộc sống và hạnh phúc cho gia đình người lao động.

Sơ cấp cứu và các điều kiện y tế

Đảm bảo có ít nhất 1 hộp sơ cứu trong từng phân xưởng của doanh nghiệp. Nếu có hơn 50 người trong bất kỳ một khu vực nào nên đảm bảo cứ 50 người có một hộp sơ cấp cứu.

Hộp có thể dễ dàng sử dụng và đầy đủ không bị khóa (nếu khóa thì chìa khóa luôn để bên cạnh).

Hộp sơ cứu luôn sẵn sàng và đầy đủ cơ số, bao gồm:  Keo băng / thạch cao, băng,  khăn vô trùng, nước rửa mắt, một băng sling / tam giác, dụng cụ đặc biệt khác theo yêu cầu của doanh nghiệp.

Các phương tiện của hộp sơ cứu phải đảm bảo xử lý được mọi thương tích có thể xảy ra ở doanh nghiệp. Nội dung của hộp sơ cứu cần được liên kết với bất kỳ thương tích có khả năng hoặc tiềm năng trên trang web.

Cán bộ quản lý ATVSLĐ phải kiểm tra thường xuyên cơ số trong hộp đảm bảo luôn đầy đủ và không bị quá hạn.

Doanh nghiệp phải đảm bảo đủ phòng y tế hoặc phòng khám bệnh cho công nhân sử dụng khi họ bị tai nạn hoặc cảm thấy không khỏe.

Nếu phòng y tế không có nhân viên chuyên trách làm việc thường xuyên cần phải có thời gian biểu và thông báo rộng rãi đến người lao động. Đảm bảo có đầy đủ cơ số thuốc và các phương tiện thiết yếu trong hộp sơ cấp cứu.

Nếu không có phòng y tế thì doanh nghiệp ký hợp đồng với một bệnh viện gần đó hoặc trung tâm y tế để điều trị cho người lao động khi họ bị tai nạn hoặc bị ốm.

Doanh nghiệp có đủ nhân viên sơ cấp cứu đã được huấn luyện bởi một tổ chức đủ điều kiện; đảm bảo có ít nhất 2 nhân viên sơ cấp cứu cho mỗi ca làm việc trong từng khu vực của doanh nghiệp; đảm bảo các hồ sơ đào tạo được duy trì để các nhân viên sơ cấp cứu  xem xét khi cần thiết và sử dụng đào tạo cho các nhân viên mới.

Phải đảm bảo luôn có nhân viên sơ cấp cứu dự bị để các nhân viên sơ cấp cứu có thể nghỉ phép. Đảm bảo có kế hoạch dự phòng sơ cấp cứu cho từng khu vực khi nhân viên sơ cấp cứu nghỉ phép hoặc cần phải sử dụng nhiều nhân viên một lúc.

Trên đây là toàn bộ thông tin về Sơ cấp cứu đúng lúc giúp giảm 50% số ca tử vong do tai nạn lao động. Hi vọng bài viết đã cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích nhất. Hãy theo dõi các bài viết tiếp theo của Bản tin sức khoẻ bạn nhé!

Theo Bộ Y tế

Lan Anh