Đối với trẻ nhỏ bàn tay là phương tiện để trẻ khám phá những sự vật xung quanh. Vì có nhiều chức năng và vai trò trong cuộc sống nên những chấn thương ở tay là rất nhiều, đa dạng và có thể xảy đến bất kỳ lúc nào.
Sơ cấp cứu những chấn thương cánh tay
Cách xử trí dưới đây dành cho các chấn thương ở cánh tay, cẳng tay và cổ tay. Lưu ý: hạn chế cử động cánh tay nhất có thể để giảm đau cho trẻ.
Ngoài ra bố mẹ hoàn toàn có thể áp dụng nguyên tắc sơ cấp cứu RICE cho những chấn thương phần mềm ở vị trí này.
- Bước 1: Giúp trẻ ngồi xuống. Đỡ cánh tay trẻ và khuyến khích trẻ cũng tự đỡ tay đau bằng tay lành. Đặt một tấm lót mềm xung quanh vùng chấn thương giữ cẳng tay và ngực trẻ
- Bước 2: Dùng đai đeo để nâng đỡ tay bị thương. Lưu ý: buộc nút thắt ở bên tay không bị thương
- Bước 3: Đưa trẻ đến viện để được kiểm tra và xử trí chấn thương chuyên sâu
Chú ý:
- Không cho trẻ ăn uống bất cứ thứ gì vì trẻ có thể cần được gây mê
- Nếu nghi ngờ trẻ bị gãy xương, gọi cấp cứu ngay, sau đó bố mẹ hãy để trẻ nằm ngửa kê tay lên một tấm nệm êm mỏng, giữ nguyên tư thế tay khi tìm thấy trẻ, động viên và vỗ về trẻ trong lúc đợi xe cấp cứu. Quan sát các dấu hiệu của trẻ như sắc mặt, mạch, nhịp thở và sơ cấp cứu ngay nếu trẻ bị sốc (xem thêm bài “Xử trí sốc ở trẻ”)
- Nếu trẻ không thể gập tay, hãy sơ cứu trẻ như chấn thương khuỷu tay bên dưới
Sơ cấp cứu chấn thương khuỷu tay
Đối với những chấn thương ở tay, nếu thấy trẻ không thể gập tay được thì có thể trẻ đã bị chấn thương khuỷu tay; cơn đau tăng lên khi cố gắng cử động hoặc thấy có sưng nề quanh khuỷu tay.
Hãy giữ cố định phần chấn thương theo các bước sau vì các đầu xương gãy có thể di động gây thêm tổn thương mạch máu.
- Bước 1: Giúp trẻ ngồi xuongs và giữ cánh tay ngang qua người. Đặt một tấm lót mềm (như một tấm vải mềm gấp gọn lại) quang vùng khuỷu tay chấn thương
- Bước 2: Cuốn băng gấp dạng rộng quanh người trẻ, cả ở bên trên và bên dưới khuỷu tay (như hình bên dưới). Thường xuyên theo dõi tuần hoàn máu ở cổ tay để chắc chắn bố mẹ không quấn băng quá chặt (để kiểm tra, ấn vào móng tay trẻ hoặc mảng da phía trên phần được quấn băng rồi thả ra. Da sẽ hồng nhanh trở lại, nếu không hãy nới lỏng băng cuốn)
Chú ý khi sơ cứu những chấn thương ở tay
- Không cho trẻ ăn uống bất cứ thứ gì vì trẻ có thể cần được gây mê
- Không cố duỗi thẳng hoặc gập khuỷu tay trẻ, cố gắng sơ cứu cho trẻ ở ngay tư thế bạn tìm thấy trẻ
- Nếu băng cuốn làm trẻ đau, hãy đỡ trẻ nằm xuống, cánh tay đặt thoải mái ngang qua người. Sau đó bố mẹ ngay lập tức gọi xe cứu thương.
Trên đây là toàn bộ thông tin về Sơ cấp cứu những chấn thương ở tay? Hi vọng bài viết đã cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích nhất. Hãy theo dõi các bài viết tiếp theo của Bản tin sức khoẻ bạn nhé!
Lan Anh