“Mẹ ơi ly hôn là gì ạ?

Ly hôn có đau không sao chị Sam lại khóc?”

-Trích dẫn Thương ngày nắng về-

Bỏ ngoài tai những lời dèm pha, những tổn thương tâm lý cả cha mẹ và trẻ nhỏ gặp phải, cụm từ “Bố/mẹ đơn thân” đang trở nên hot trong giới trẻ.

Có phải là sự khẳng định quá mức về việc:

Tự lực,

Mạnh mẽ

hay Không cần người sẻ chia?…

Đôi khi chỉ là lời bào chữa cho sự thiếu cố gắng của cả 2 bên. Bởi suy nghĩ nóng vội, để rồi “Nhanh đến nhanh đi” và gánh nặng vô hình lớn nhất lại đặt lên những đứa trẻ.

1. Con trẻ đang chịu tổn thương nhiều ra sao?

Một nghiên cứu năm 2021 về chất lượng cuộc sống của trẻ có bố mẹ sau ly hôn đã vén màn những điều tưởng chừng như rất nhỏ, nhưng trở thành những vết cắt trong lòng trẻ:

– Tỷ lệ trẻ được ăn no trong bữa ăn chỉ chiếm 62.3%, tỷ lệ trẻ tự ý thức về việc cần nhường thức ăn cho người khác chiếm 22,8%. T.P.T 12 tuổi – “Con thấy mẹ làm việc rất vất vả, nên bữa nào con cũng nói rằng con không thích ăn lắm để mẹ và ngoại ăn nhiều hơn.”

Ảnh 1: Trẻ cảm thấy buồn và thất vọng sau khi cha mẹ ly hôn

– Có tới 66,8% trẻ cảm thấy buồn và thất vọng sau khi cha mẹ ly hôn “Giờ bố mẹ cháu ly hôn rồi, cháu ở với mẹ, cháu thật sự buồn và chán nản, các bạn đều có bố mẹ ở bên, nhưng cháu thì không có điều đó. Cháu thấy mình như bị bỏ rơi vì mẹ cũng có cuộc sống của mẹ dù mẹ không lấy chồng. Và giờ bố cũng có gia đình mới, bố có vợ mới, có 2 em rồi cô ạ.”

2. Trẻ phải trải qua những khó khăn tâm lý như thế nào?

Trẻ nhỏ dưới 5 tuổi thường phản ứng mạnh mẽ với những thay đổi của hoàn cảnh. Bởi vậy, sự kiện ly dị của cha mẹ kéo theo nhiều biến động như: sự chuyển chỗ ở, sự thay đổi trường học, sự ra đi của cha hoặc mẹ… sẽ tác động rất lớn đến trẻ. Nhiều trẻ có biểu hiện sự sợ hãi bị cha mẹ bỏ rơi bằng những dấu hiệu: không ngủ được, la hét trong giấc ngủ, lặp lại những hành vi trong thời kỳ môi miệng như mút tay, đái dầm hoặc gắn bó thái quá với những đồ vật quen thuộc.

Ảnh 2: Trẻ có biểu hiện sợ hãi khi cha/mẹ rời đi

Trẻ khoảng từ 5 đến 8 tuổi, khi cha mẹ ly hôn, thường sinh ra tính cáu kỉnh, hay la khóc, khó tập trung chú ý. Những trẻ là học sinh thì sa sút trong việc học hành. Ở một số trẻ xuất hiện các rối loạn cơ thể do quá đau khổ, đặc biệt là mặc cảm tội lỗi thường dày vò chúng. Không ít trẻ nghĩ rằng chúng đã làm mất lòng cha để cha phải bỏ đi hay người cha ra đi là do chúng không ngoan, không vâng lời, bị điểm kém… Có nghĩa là trẻ nhỏ có xu hướng tìm ra những lỗi lầm cụ thể của mình để lý giải sự ra đi của người cha yêu quý.

Trẻ từ 8 đến 12 tuổi đã bắt đầu có những dự định trong cuộc sống. Sự ly dị của cha mẹ dễ khiến trẻ cho rằng điều này làm sụp đổ những dự định đó. Do vậy, nhiều trẻ có thái độ khó chịu, bực bội, tức giận đối với cha mẹ. Chúng đau khổ vì cảm thấy cô đơn và bất lực.

Với độ tuổi vị thành niên thì sao? Thường thì ta nghĩ rằng, con cái ở độ tuổi này có thể hiểu và thông cảm cho cha mẹ. Nhưng trên thực tế không hoàn toàn như vậy. Phản ứng tức thời của nhiều đứa trẻ cũng là tức giận, oán hận vì đối với chúng, gia đình ly tán đồng nghĩa với việc sụp đổ tất cả những dự định, những kế hoạch, những hoài bão tương lai của mình.

#Vietsanté #Xu_hướng