Mùa hè đang đến rất gần, việc thoa kem chống nắng trước khi ra ngoài là điều vô cùng cần thiết để bảo vệ da. Nhưng nếu sử dụng kem chống nắng sai cách thì không những không bảo vệ được da mà còn đem đến những hậu quả nghiêm trọng.

Dùng kem chống nắng thì không cần che chắn da

Trong ánh sáng mặt trời, tia tử ngoại UVA bước sóng dài (340 – 400 nanomet) là yếu tố gây đứt gãy collagen, gây nên tình trạng da nhăn nheo, thay đổi sắc tố da gây đồi mồi, rám,… Hiện nay, các loại kem chống nắng chỉ có thể giúp da chống lại một phần UVB và UVA bước sóng ngắn.Với các loại kem chống nắng hiện nay, bảo vệ da hoàn toàn khỏi UVA bước sóng dài là điều chưa thể thực hiện được.

Dù có sử dụng kem chống nắng, nguy cơ da bị đen sạm, lão hóa vẫn rất cao. Ảnh: Internet

Trong tất cả các thành phần chống nắng trong mỹ phẩm, hiện chỉ có avobenzone, ecamsule và zinc oxide được cho là có khả năng chống lại UVA bước sóng dài. Tuy nhiên, khả năng ấy cụ thể là như thế nào vẫn còn đang trong quá trình nghiên cứu. Vậy nên không nên đặt quá nhiều niềm tin vào việc kem chống nắng sẽ giúp bạn chống lại sự lão hóa và tổn thương da do UVA bước sóng dài mang lại. Để bảo vệ da tốt hơn nữa, cần sử dụng kem chống nắng đi đôi với mũ, nón, khẩu trang và ô. Che chắn bằng các loại vải dày ngoài tác dụng tránh nhiệt lượng trực tiếp từ ánh nắng mặt trời còn có thể bảo vệ da khỏi UVA bước sóng dài.

Các loại dầu, mỡ động thực vật có thể thay thế kem chống nắng

Sử dụng các loại dầu, bơ, mỡ động vật thay thế kem chống nắng là tin đồn nhiều chị em rỉ tai nhau. Kết quả là làn da ngày càng yếu đi, đen sạm và thậm chí là nổi mụn. Trong các loại dầu, hàm lượng dinh dưỡng vô cùng cao, là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn sinh sôi, gây ra những tình trạng nổi mẩn, nhiễm trùng da… không mong muốn.

Sử dụng các loại dầu, mỡ động thực vật có thể thay thế kem chống nắng là quan điểm sai lầm, phản khoa học. Ảnh: Internet

Ngành công nghiệp mỹ phẩm chưa từng thừa nhận bất cứ loại dầu, bơ, mỡ động thực vật nào là có khả năng chống nắng, hay có chỉ số chống nắng (dù thấp). Các loại dầu này chỉ giúp làm dịu, đỡ khô và đỡ cảm giác rát da khi ra đường, chứ hoàn toàn không giúp chống nắng cho da.

Dùng kem chống nắng vẫn thấy da đen đi?

Có rất nhiều lý do cho hiện tượng này, chủ yếu là do cách bảo quản hoặc sử dụng sai kem chống nắng. Dưới đây là những lý do hay gặp:

  • Bảo quản sai cách như để trực tiếp dưới ánh nắng hay nơi có nhiệt độ gây ra các phản ứng hóa học trong thành phần kem chống nắng. Chính vì thế, nếu kem chống nắng (chứa thành phần chống nắng hóa học) được bảo quản ở nơi có nhiệt độ cao thì khả năng chống nắng sụt giảm rất nhanh chóng. Một tuýp kem chống nắng cũng chỉ nên sử dụng trong vòng tối đa một năm để có thể giữ nguyên các thành phần chống nắng trong sản phẩm.
  • Thoa không đủ lượng kem chống nắng cần thiết: Chỉ số SPF và PPD được tính ở độ dày 2 miligram/cm2 trên da (khoảng 1,2 gram sản phẩm cho toàn mặt), tuy nhiên đa số người dùng không sử dụng đủ lượng dẫn tới khả năng bảo vệ da của sản phẩm bị sụt giảm nghiêm trọng. Vì thế hãy cân nhắc sử dụng một lượng vừa đủ theo khuyến cáo của nhà sản xuất để đem lại hiệu quả chống nắng tối đa.

Để bôi trọn vẹn khuôn mặt, trung bình chúng ta cần khoảng 1 – 2 gram sản phẩm chống nắng, còn cho cơ thể là 25-30 gram. Ảnh: Internet

  • Chỉ sử dụng một lần/ ngày: Đa số chị em vẫn hiểu sai chỉ số chống nắng là thời gian bảo vệ da của sản phẩm (ví dụ SPF40 là 400 phút). Đây là một lầm tưởng bởi kem chống nắng trên thực tế trôi đi theo mồ hôi, hoặc trôi đi khi da tiếp xúc với những vật thể khác. Chính vì thế, kem chống nắng cần được thoa lại thường xuyên – 2 tiếng 1 lần, nhất là khi ra mồ hôi nhiều hoặc vận động mạnh.
  • Chọn loại kem chống nắng không phù hợp: Những người dùng kem chống nắng gặp các biểu hiện kích ứng da thì tốt nhất là ngưng sử dụng sản phẩm. Dùng kem chống nắng không hợp da khiến làn da bị tổn thương, lâu dần gây sạm, nám và tàn nhang. 

Bích Vũ