UNICEF mới đây đã ra cảnh báo cho các chính phủ và các bậc cha mẹ trên toàn cầu về việc hàng triệu trẻ em tăng nguy cơ bị xâm hại trên mạng xã hội trong thời gian phong tỏa, giãn cách xã hội vì đại dịch COVID-19.
Đại dịch COVID-19 làm tăng nguy cơ trẻ em bị xâm hại trên mạng
Theo thống kê của UNICEF, tại thời kỳ đỉnh điểm khi các quốc gia có lệnh phong tỏa, có gần 1,5 tỷ học sinh đã bị ảnh hưởng do trường học bị đóng cửa. Như vậy số trẻ em không được đến trường là vô cùng lớn. Hơn nữa, tiến sĩ Howard Taylor, Tổng Giám đốc Điều hành Hợp tác Toàn cầu Chấm dứt Bạo lực còn khẳng định rằng đại dịch do vi-rút Corona gây ra dẫn đến tăng thời gian người sử dụng nhìn vào màn hình các thiết bị hơn bao giờ hết.
Trong khi các giải pháp kỹ thuật số mang lại cơ hội đáng kể để duy trì và thúc đẩy quyền trẻ em, thì những công cụ tương tự này cũng có thể làm tăng khả năng tiếp xúc của trẻ em với các rủi ro trực tuyến.
Đại dịch COVID-19 khiến cho trẻ em không được đến trường, vì vậy, trẻ sẽ có nhiều thời gian rảnh rỗi hơn để truy cập mạng xã hội để giải trí và kết nối với thế giới bên ngoài. Bên cạnh đó, nhiều bậc phụ cũng có xu hướng cho con học tập thông qua internet để duy trì việc học tập. Nhưng không phải trẻ nào cũng có kiến thức, kĩ năng để sử dụng mạng và để bảo vệ bản thân khỏi những mối nguy hại và cám dỗ trên mạng.
UNICEF cũng khẳng định giành nhiều thời gian hơn trên các nền tảng ảo có thể khiến trẻ em dễ bị bóc lột tình dục, dụ dỗ và lừa gạt vì những kẻ xấu đang tìm cách lợi dụng tình hình đại dịch COVID-19. Thiếu giao tiếp trực tiếp với bạn bè và bạn trai/bạn gái có thể dẫn đến những hành vi có nguy cơ cao như gửi hình ảnh gợi tình, trong khi đó tăng thời gian lên mạng không kiểm soát có thể khiến trẻ em tiếp xúc với những nội dung độc hại, bạo lực cũng như tăng nguy cơ bị bắt nạt trên mạng.
Việt Nam là quốc gia sử dụng mạng xã hội thuộc Top đầu của Thế giới. Không khó để thấy rằng việc truyền thông mạng xã hội tại Việt Nam rất phổ biến, hiệu ứng lan truyền của truyền thông mạng xã hội là rất lớn. Tuy nhiên, mạng xã hội lại có những mặt hại nghiêm trọng cho trẻ em như: cổ súy hành vi lệch lạc, reo rắc nỗi sợ bị bỏ rơi khi không làm theo người khác, bị dụ dỗ vào cám dỗ nguy hiểm, lộ thông tin hình ảnh cá nhân,…
Thực tế, khả năng đánh giá các rủi ro của trẻ em và trẻ vị thành viên không bằng người lớn,
Về mặt sinh học, trẻ dễ bị ảnh hưởng bởi bạn bè đồng trang lứa. Trên mạng xã hội, ảnh hưởng đó còn lớn và nguy hiểm hơn. Các em bị cuốn theo các thử thách và lầm tưởng rằng chúng vô hại khi thấy người thực hiện không bị thương. Điều đó khiến trẻ dễ làm theo các hành động nguy hiểm”, theo Mitchell Prinstein, Giám đốc khoa học của Hiệp hội Tâm lý Mỹ.
Khuyến cáo dành cho các bậc cha mẹ
“Trong đại dịch COVID-19, cuộc sống của hàng triệu trẻ em đang tạm thời bó hẹp trong gia đình và màn hình. Chúng ta cần hỗ trợ trẻ em thích ứng với thực tế mới này,” Tổng Giám đốc Điều hành UNICEF, Bà Henrietta Fore nhận định.
UNICEF cùng với các đối tác đã đưa ra một văn bản chuyên môn mới để hối thúc các chính phủ, ngành công nghệ thông tin và truyền thông, giáo viên, cha mẹ cần cảnh giác, có các biện pháp khẩn cấp để giảm thiểu những nguy cơ có thể xảy đến, và đảm bảo những trải nghiệm trên mạng của trẻ em được an toàn và tích cực trong đại dịch COVID-19.
Trong đó, cha mẹ cần đảm bảo các thiết bị của con được cập nhật phiên bản mới nhất và có các chương trình chống vi-rút; chia sẻ cởi mở với con về cách giao tiếp trên mạng, giao tiếp như thế nào, với ai; cùng con xây dựng những nguyên tắc khi dùng internet, dùng như thế nào, khi nào, những kênh nào; chú ý đến những dấu hiệu lo lắng của trẻ khi sử dụng mạng; đảm bảo con mình biết các chính sách về nhà trường và cơ chế báo cáo ở địa phương, có các số điện thoại của đường dây điện thoại hỗ trợ và đường dây nóng.
Ngoài ra, bản tin sức khỏe cũng xin gợi ý cho cha mẹ một số cách sau để quản lý và bảo vệ con cái tốt hơn trên nền tảng mạng:
Cài đặt mật khẩu WPA
Cha mẹ cũng có thể quản lý thời gian sử dụng của con bằng cách đặt mật khẩu WPA. Cài đặt mật khẩu WPA cho đường truyền tại nhà giúp cha mẹ có thể giám sát việc con cái họ sử dụng mạng. Đặt mật khẩu WPA có thể giúp cha mẹ kiểm tra và ngăn ngừa bất cứ đứa trẻ nào ở lứa tuổi thiếu niên trong nhà truy cập máy tính mà không xin phép.
Nắm rõ các ứng dụng và trang web con hay sử dụng
Để có thể giúp con cái lướt Internet một cách an toàn, cha mẹ cần tự trang bị hiểu biết về các trang web và ứng dụng mà trẻ hay vào.
Loại bỏ thiết bị định vị
Nếu con bạn có một chiếc điện thoại thông minh, bạn có thể dùng thiết bị định vị. Nếu bật thiết bị, những bức ảnh sẽ lưu giữ thông tin như là bức ảnh được chụp ở đâu. Nếu đăng tải lên mạng xã hội, bất cứ ai cũng có thể tiếp cận thông tin này. Cha mẹ nên tắt thiết bị định vị để tránh lộ thông tin của con.
Sam tổng hợp