Dạo quanh facebook tầm này là muôn vàn bức ảnh về những chiếc bánh trung nhà làm, tự tay làm, cho đến những chiếc bánh được tặng. Thật khó để kìm lòng trước những chiếc bánh thơm ngon phải không nào? Nhưng khoan đã, hàm lượng calo trong mỗi chiếc bánh trung thu có thể khiến bạn phải xem xét về lượng bánh sẽ ăn nếu không muốn béo phì hay đi tong nỗ lực giảm cân!
1 Lượng calo trong mỗi chiếc bánh trung thu
Phần vỏ lẫn phần nhân của các loại bánh trung thu được tẩm ướp rất nhiều mỡ và đường, do đó bánh chứa nhiều năng lượng, độ béo, vị ngọt đều cao. Trong 25g bánh (khoảng 1/5 – 1/10 bánh) sẽ chứa 95-122 calo, bao gồm 10-13g chất bột đường và 4,3-7,7g chất béo.
Tùy từng loại bánh và thành phần mà lượng calo sẽ khác nhau, ví dụ một chiếc bánh trung thu 180g cung cấp từ 500-700 calo, một số loại bánh thập cẩm có thể chứa gần 1.000 calo. Bánh nướng thập cẩm hai trứng 250g cung cấp 1.095 calo, glucid 104,5g. Bánh trung thu dẻo đậu xanh một trứng có năng lượng 807 calo, 158,1g glucid.
Như vậy, một chiếc bánh trung thu kích cỡ 10×4 cm sẽ cung cấp 800-1.200 calo Trong khi đó, một bát cơm vừa khoảng 200 calo, 44,2g glucid, hoặc một tô phở bò trung bình có 430 calo, glucid 59,3g. Suy ra, một chiếc bánh nướng thập cẩm có lượng calo gấp 5 lần một bát cơm và gấp 2-2,5 lần một bát phở bò, còn lượng glucid – tức chất bột đường thì gần gấp đôi.
Nếu ăn nửa chiếc bánh dẻo hoặc bánh nướng thì trong ngày, bạn sẽ phải bớt đi khoảng một bát cơm và lượng thức ăn tương ứng. Cạnh đó cần tăng lượng rau xanh để “tống” chất béo ra ngoài và ngăn ngừa tăng đường huyết nhanh. Ngoài ra, để tiêu hao hết năng lượng của 1/5-1/10 chiếc bánh trung thu đã ăn, bạn cần vận động khoảng 20-30 phút.
Trong độ tuổi 31-50, nam giới hoạt động thể lực cần 2.400-2.600 calo mỗi ngày, nữ giới độ tuổi này cần 2.000 calo. Nếu ăn một chiếc bánh trung thu tức là bạn đã nhận đủ năng lượng cần thiết cho ngày đó.
2 Cách ăn bánh trung thu không bị béo
Để ăn bánh trung thu không bị mập, không lên cân, không béo phì và ảnh hưởng tới vóc dáng, bạn cần lưu ý những điều sau đây:
– Không nên ăn khi bụng đói
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, dạ dày của chúng ta hấp thụ chất dinh dưỡng rất nhanh, nhất là thời điểm bụng đang đói. Vì thế, để tránh gây tăng cân, cách tốt nhất là không nên ăn bánh trung thu vào thời điểm này. Bạn có thể ăn bánh trung thu sau các bữa ăn chính. Bởi lúc này, dạ dày đã được lấp đầy bằng những thực phẩm khác nên có thể dễ dàng kiểm soát được lượng calo nạp vào cơ thể.
– Không nên ăn vào buổi tối
Buổi tối là thời điểm cơ thể ít vận động. Khi ăn bánh trung thu lúc này, lượng đường và năng lượng nạp vào cơ thể sẽ bị dư thừa, rất dễ dẫn đến tình trạng bị tăng cân, béo phì. Do đó, để tránh ảnh hưởng đến vóc dáng, bạn không nên ăn bánh trung thu vào buổi tối nhé!
– Không nên ăn khi làm việc mệt mỏi
Vào những lúc làm việc mệt mỏi, nếu bạn nạp quá nhiều đồ ngọt vào cơ thể sẽ làm giảm đi một lượng lớn vitamin B. Đây là loại vitamin đóng góp vai trò cực kỳ quan trọng trong việc chuyển hóa đường sang năng lượng tốt cho cơ thể.
– Nên ăn chậm, chia nhỏ thành nhiều phần
Một trong những cách ăn bánh trung thu không bị béo là ăn chậm, chia nhỏ thành nhiều phần ăn. Cách này sẽ giúp cắt giảm lượng calo nạp vào cơ thể, từ đó không gây tăng cân, béo phì.
– Nên ăn bánh kết hợp uống trà
Ngoài việc giúp làm tăng hương vị cho bánh, trà có tác dụng đào thải độc tố và năng lượng dư thừa ra khỏi cơ thể. Do đó, khi ăn bánh trung thu bạn nên kết hợp uống trà để thêm phần tròn vị nhé!