Qua nhà thằng bạn thân để hỗ trợ nó trong ngày cưới, thấy thợ ảnh yêu cầu nó với bố nó quay những thước phim như ba chỉnh sửa quần áo cho con, ba chúc mừng con có vợ,… mà tôi thấy chạnh lòng. Có lẽ cả đời này tôi cũng không thể có lấy cho mình một thước phim như vậy. Đơn giản vì tôi chẳng còn ba nữa…
Ba tôi mắc căn bệnh ung thư phổi, khi đó tôi chuẩn bị thi vào lớp mười nên cả nhà giấu. Tiên lượng của bác sĩ nói rằng thời gian của ông chỉ tính bằng 1 hoặc 2 năm. Nhưng với sự tận tâm của mẹ, với sự giúp đỡ của cả gia đình và nội lực của mình, ba trải qua 5 năm đầu khỏe mạnh và là người truyền cảm hứng nhiều nhất cho tôi. Những lần ba phải truyền hóa chất mệt mỏi vẫn hỏi tôi học hành như thế nào, giữa các đợt nghỉ lại mạnh mẽ rủ tôi đi mua tóc giả đội cho “đẹp trai”. Trong phòng điều trị ngoại trú, các bệnh nhân vào cùng đợt với ba đều lần lượt “hy sinh”, chỉ có ba là vẫn ở đó, tuân thủ điều trị và nhìn người mới vào người cũ đi. Ba tự nhận mình là “học sinh chăm ngoan”, là “lớp trưởng” của “lớp” chữa ung thư đó. Năm thứ 9 kể từ khi phát hiện ra ung thư, ba lên bàn mổ lần thứ 5. Tôi chẳng thể nào nghĩ đó là lần cuối cùng mà tôi được chăm sóc ba vì khi đó cực kỳ khỏe mạnh và vui vẻ. Ông còn hẹn tôi sau lần mổ này về đi bơi, đạp xe thoải mái rồi…. Thế rồi một biến chứng sau mổ xảy ra, điều này khiến ba sống thực vật hai tháng trước khi mất.
Ba tôi mất trước khi tôi tốt nghiệp đại học vài tháng. Đó là khoảng thời gian mà tôi vô định nhất từ trước đến giờ. Ba đi chẳng để lại một lời dặn dò, chẳng nói cho tôi biết phải chăm sóc mẹ và bảo vệ em gái như thế nào. Tôi cảm thấy bản thân thất vọng vì không thể cho ba thấy tôi trưởng thành như thế nào, thành công ra sao. Tôi luôn dằn vặt mình, tại sao khi chăm sóc ba trong viện mình đã làm sai điều gì? Tại sao mình không nói yêu ba được và không hỏi ước nguyện cuối đời của ba là gì! Tất cả điều này là do bản thân mình không tự chuẩn bị được những điều xấu nhất sẽ xảy ra. Và bản thân tôi cũng không đủ dũng cảm để đón nhận điều này.
Suốt 49 ngày, 100 ngày rồi 3 tháng đến nửa năm kể từ sự ra đi của ba, tôi gồng mình lên để những người xung quanh cảm thấy tôi vẫn ổn. Nhưng chỉ cần một bài nhạc hợp tâm trạng là tôi có thể chui ra một góc tối để khóc. Tôi nghĩ nhiều đến việc liệu trước đây duy trì cuộc sống gắn liền với máy thở của ba thì liệu có kỳ tích nào không? Tôi phân vân, lăn tăn rồi lại bế tắc. Mọi suy nghĩ vẫn diễn ra cho đến khi tôi tốt nghiệp đại học và bắt đầu đi làm, mọi thứ mới dần dần quay trở lại vòng quay của cuộc sống. Nhưng cảm giác như trong bản thân có một khoảng trống, một khoảng trống gì đó khó thể lấp đầy.
Tôi của hiện tại vẫn nhớ như in thời điểm ba nằm trên giường bệnh, với tay để kéo lại cái tay áo bị xoắn của tôi. Lúc đó tôi chỉ muốn ôm ba và khóc như một đứa trẻ. Nhưng rồi ai cũng phải sống tiếp, quá khứ là những kỷ niệm để mình mạnh mẽ hơn. “Đến việc mất ba tôi còn vượt qua được thì chẳng có gì mà mình không vượt qua được cả”. Đó chính là câu tự nhủ mà tôi tin rằng ba ở trên trời cũng sẽ giúp đỡ tôi trên những con đường sau này của bản thân.