Loãng xương gây ra các hậu quả nặng nề nhưng lại khó phát hiện sớm vì bệnh thường diễn biến thầm lặng, rất nhiều bệnh nhân gần như không có triệu chứng nào cho tới khi xảy ra biến chứng là gãy xương hoặc lún xẹp đốt sống. Bệnh ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống, đặc biệt là phụ nữ sau mãn kinh.
Khái niệm bệnh loãng xương
Theo WHO: Loãng xương được đặc trưng bởi sự thay đổi sức mạnh của xương. Sức mạnh này được đặc trưng bởi mật độ xương và chất lượng xương. Chất lượng xương được đánh giá bởi các thông số: cấu trúc của xương, chu chuyển xương, độ khoáng hóa, tổn thương tích lũy, tính chất của các chất cơ bản của xương.
Nguyên nhân dẫn tới loãng xương
Được chia làm 2 loại:
- Loãng xương nguyên phát: Loãng xương nguyên phát là loại loãng xương không tìm thấy nguyên nhân nào khác ngoài tuổi tác và/hoặc tình trạng mãn kinh ở phụ nữ. Type 1 gặp ở bệnh nhân sau mãn kinh được gọi là loãng xương sau mãn kinh, type 2 liên quan đến tuổi già được gọi là loãng xương tuổi già.
- Loãng xương thứ phát: là loại loãng xương tìm thấy nguyên nhân do một số bệnh hoặc một số thuốc gây ra. Như thuốc điều trị bệnh cường giáp, các bệnh lý ở thận và các bệnh lý tuyến vỏ thượng thận.
Với loãng xương thứ phát có thể phòng ngừa trong quá trình điều trị bệnh, các bác sĩ sẽ sử dụng những thuốc chống tác dụng phụ. Tuy nhiên, loãng xương nguyên phát không thể phòng chống vì đây là sinh lý con người. Điều đặc biệt là bệnh diễn biến âm thầm và không có triệu chứng.
Hậu quả của loãng xương
- Đau do xẹp đốt sống: Đau xuất hiện khi có một đốt sống mới bị xẹp, hoặc đốt sống tiếp tục xẹp nặng thêm. Đau xuất hiện tự nhiên hoặc liên quan tới gắng sức hoặc chấn thương nhẹ. Thường biểu hiện bằng đau cột sống cấp tính, khởi phát đột ngột, không lan, không có triệu chứng chèn ép thần kinh kèm theo. Đau giảm rõ khi nằm và giảm dần rồi biến mất trong vài tuần. Tuy nhiên, có một tỉ lệ rất lớn bệnh nhân lún xẹp đốt sống không có triệu chứng đau cột sống.
- Biến dạng tư thế cột sống: Khi xẹp nhiều đốt sống, cột sống thường bị biến dạng (điển hình nhất là cong đoạn cột sống lưng – thắt lưng). Bệnh nhân bị giảm chiều cao, gù đoạn lưng, có thể tới mức các xương sườn 10 – 12 cọ sát vào cánh chậu.
- Gãy xương: Là hậu quả thường gặp của loãng xương. Bệnh nhân loãng xương có thể bị gãy xương sau một chấn thương rất nhẹ. Những vị trí thường gặp là đầu trên xương đùi, đầu trên xương cánh tay, đầu dưới xương cẳng tay, xương sườn, xương chậu và xương cùng.
Ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống
Quá trình loãng xương diễn ra trong thời gian khá dài với tình trạng mất chất xương bắt đầu từ tuổi 30 và từ 50 tuổi trở đi thì triệu chứng đau mới xuất hiện, chủ yếu ở cột sống lưng hay thắt lưng. Tình trạng này sẽ tăng lên khi ngồi lâu hoặc đứng lâu và thường giảm đau khi nằm nghỉ. Thường thì đau âm ỉ, nhưng đôi khi cũng xuất hiện những cơn cấp tính làm cho người bệnh hoang mang và lo sợ. Sau nhiều năm tiến triển có thể gây ra biến dạng cột sống như cong, vẹo cột sống.
Loãng xương ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và sinh hoạt của con người, nó gây ra nhiều khó khăn và phiền toái trong cuộc sống, sinh hoạt, công việc và làm cho người bệnh có cảm giác bản thân mình già hơn, yếu hơn, và khi gãy cổ xương đùi thì thực sự biến vấn đề này trở nên vô cùng trầm trọng.
Đặc biệt là với phụ nữ sau mãn kinh, hậu quả của loãng xương ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống rất nhiều. Một nghiên cứu tại Việt Nam của tác giả Ngô Văn Quyền cho thấy 84% phụ nữ cảm thấy đau kéo dài, suy giảm chức năng cơ thể, giảm hoạt động xã hội, giảm sự chịu đựng với mức độ đau.
Hoàng Cường (tổng hợp)