Các vết bầm tím và sưng nề sẽ xuất hiện rất nhanh, sau khi ngã hay đơn giản chỉ là va chạm mạnh với các vật cứng. Nghỉ ngơi, chườm mát, và nâng cao vùng tổn thương sẽ giúp trẻ cảm thấy dễ chịu hơn, đồng thời các vết bầm tím và sưng nề cũng sẽ biến mất nhanh hơn. Vậy bố mẹ cần thực hiện những thao tác này như thế nào và cần những dụng cụ cũng như vật dụng gì để nhanh chóng hỗ trợ cho con. Hãy cùng bantinsuckhoe.vn trang bị những kiến thức cần thiết ở bài viết dưới đây.
Tại sao lại xuất hiện các vết bầm tím và sưng nề?
Các vết bầm tím hay sưng nề xuất hiện khi cơ thể gặp những chấn thương phần mềm tương đối nhẹ, thường không gây xây sát da, các thành phần khác như gân, cơ, xương bị ảnh hưởng nhưng không đáng kể.
Trong da ngay phía gần bề mặt, có rất nhiều mao mạch nhỏ, khi xảy ra các va chạm các mao mạch này bị rách, vỡ ra, khi đó một lượng máu nhất định sẽ rò rỉ da bên ngoài mạch máu, len lỏi vào các mô mềm ngay dưới da và bị giữ lại tại đó. Nếu làm động tác ấn vào vết bầm, thì các vết màu tím này sẽ mất sau đó nhả tay ra lại trở lại như lúc đầu do tác động của lực tay đẩy máu di chuyển tới các vị trí lân cận sau đó máu lại chảy về vị trí ban đầu.
Nếu va chạm đủ mạnh, các mao mạch vỡ nhiều sẽ huy động cơ chế miễn dịch của cơ thể, các bạch cầu được huy động, hiện tượng viêm diễn ra, kết quả của quá trình này là xuất hiện nhiều dịch viêm, chính lượng dịch này làm cho vết bầm sưng lên và khi này thì sẽ kèm cả cảm giác đau rõ rệt.
Bầm tím và sưng nề có thể tự mất đi trong bao lâu mà không cần bất kỳ can thiệp nào?
Ngay sau chấn thương, vết bầm sẽ có màu đỏ hay hồng, rồi màu đỏ tím, sau đó 1-2 ngày sẽ chuyển dần sang màu xanh tím. Từ ngày thứ 5 đến ngày thứ 10 vết bầm dần chuyển màu thành xanh lá nhạt, nhạt dần đi và chuyển vàng. Sau ngày thứ 10 trở đi, vết bầm chuyển sang màu vàng nâu rời mờ đi dần.
Cả quá trình này thường kéo dài hơn 2 tuần, sau đó da mới trở lại màu sắc bình thường. Các vết bầm không gây ảnh hưởng quá nhiều tới chức năng tuy nhiên vì vấn đề thẩm mỹ cần nhanh chóng sơ cấp cứu đúng cách để giảm tối đa thời gian tan đi của vết bầm và sưng nề cho trẻ.
Hai bước sơ cấp cứu bầm tím và sưng nề cho trẻ
Để kết quả được hiệu quả nhất, cần phải nhanh chóng xử trí vết bầm khi nó chỉ là một vết đỏ. Tốt nhất là thực hiện các bước sau đây cho trẻ ngay sau khi chấn thương. Vừa giúp trẻ giảm đau nhanh, vừa giúp quá trình tan bầm được rút ngắn nhất.
- Bước 1: Giúp trẻ ngồi thoải mái. Nâng đỡ vùng bị thương của trẻ bằng gối hoặc đệm mềm. Nếu chấn thương vùng chân, cố gắng kê cao chân trẻ lên để giúp quá trình lưu thông máu dễ dàng hơn và giảm sưng. Đồng thời hạn chế vận động vùng bị thương.
- Bước 2: Đặt túi chườm mát lên vị trí tổn thương không quá 20 phút (có thể làm động tác lăn qua lăn lại nhẹ nhàng nếu trẻ không chịu được lạnh). Tốt nhất là không che phủ lên vết thương để có thể quan sát được nếu có sự chảy máu xảy ra.
Chú ý: + Nếu trẻ có tổn thương ở tay, đỡ tay trẻ bằng đai đeo (xem thêm bài “Chấn thương cẳng tay”) + Nếu bầm tím nhiều hoặc rất rộng. Hãy đưa trẻ đến bệnh viện để kiểm tra
Cách tạo một túi chườm mát để giảm đau cho trẻ tức thì
Áp túi chườm mát lên vùng tổn thương nhằm làm giảm lượng máu chảy tới vùng đó, giúp giảm đau và sưng nề. Bố mẹ hãy tham khảo cách tạo túi chườm mát theo hướng dẫn sau đây:
- Đổ đá lạnh vào hai phần ba túi zip đựng rau củ đông lạnh (nếu không có bố mẹ có thể thay thế bằng một tấm vải cotton mềm hoặc đơn giản hơn là một khăn mặt sạch).
- Sau đó bọc túi đá bằng vải để đá không tiếp xúc trực tiếp với da trẻ.
- Đơn giản hơn nữa, bố mẹ có thể dùng khăn mặt thấm nước lạnh rồi vắt ráo nước.
Nguồn socapcuu.com.vn