Dị ứng là phản ứng bất thường của cơ thể rất hay gặp trong đời sống hàng ngày. Những tác nhân khởi phát dị ứng thường gặp gồm phấn hoa, bụi, các loại hạt, hải sản, trứng, côn trùng và ong đốt, nhựa mủ và những thuốc nhất định. Khi gặp một trường hợp nạn nhân bị dị ứng, hãy xử trí thật bình tĩnh theo những bước được hướng dẫn ở bài viết này.

Đại cương về dị ứng

Khái niệm:

  • Dị ứng là một phản ứng bất thường của hệ thống bảo vệ cơ thể (đáp ứng miễn dịch) với một chất “khởi phát” bình thường không có hại (hay còn gọi là dị nguyên).
  • Dị ứng có thể có các biểu hiện như ngứa nhẹ, sưng, thở khò khè hay rối loạn tiêu hóa, hoặc có thể tiến triển thành phản vệ rầm rộ, hoặc sốc phản vệ (trang bên), có thể xảy ra trong vài giây hoặc vài phút sau khi tiếp xúc với một dị nguyên xâm nhập.

Dị ứng là một hiện tượng thường gặp. Nguồn: Internet

Các bệnh dị ứng thường gặp trong đời sống:

  • Dị ứng thuốc: Phản ứng quá mức, bất thường, có hại khi dùng hoặc tiếp xúc với một loại thuốc nào đó.

Dị ứng thuốc là một tình trạng dị ứng nguy hiểm. Nguồn: Internet

  • Hen phế quản: là tình trạng xuất hiện các triệu chứng như khó thở đột ngột, nặng ngực, thở rít hoặc phối hợp các triệu chứng này.

Hen phế quản cũng được xếp vào một loại dị ứng. Nguồn: Internet

  • Mày đay – phù Quincke: là tổn thương cơ bản ngoài da, đặc trưng bởi sự xuất hiện các nốt mẩn đỏ, phù, sưng nề lan tỏa với nhiều hình dạng và kích thước khác nhau, kèm với ngứa và rát. Mày đay thường tự biến mất sau 24h.

Đây là hình ảnh của một trường hợp mày đay. Nguồn: Internet

  • Dị ứng thức ăn: là các phản ứng xảy ra sau ăn do đáp ứng bất thường của hệ miễn dịch với thành phần của thức ăn.
  • Viêm mũi dị ứng: là bệnh của niêm mạc mũi với 3 biểu hiện điển hình: hắt hơi, ngứa mũi, chảy nước mũi.

Đây là tình trạng hay gặp ở một nước có khí hậu nóng ẩm và ô nhiễm như thành phố lớn của Việt Nam. Nguồn: Internet

  • Viêm kết mạc dị ứng: là một tình trạng kích ứng gây đỏ, xung huyết vùng kết mạc mắt (long trắng).
  • Viêm da cơ địa: là tình trạng tổn thương mãn tính ở da trải qua nhiều giai đoạn diễn ra trong thời gian dài, bắt đầu với biểu hiện ngứa và đỏ da nhiều mảng toàn thân.
  • Dị ứng do côn trùng đốt.

Các dấu hiệu nhận biết dị ứng

Những đặc điểm của dị ứng nặng hay nhẹ, xuất hiện tại vị trí nào thay đổi phụ thuộc vào tác nhân khởi phát và tùy vào các bệnh dị ứng khác nhau. Có thể gặp các biểu hiện như sau:

  • Ban đỏ, những vùng da nổi lên (vết sẩn) kèm theo cảm giác ngứa, rát tại chỗ
  • Mắt đỏ, ngứa, thị lực có thể giảm nhẹ
  • Khò khè, thở rít, thậm chí khó thở
  • Bàn tay, bàn chân và/hoặc mặt sưng lên
  • Đau bụng, nôn và tiêu chảy

Dấu hiệu của dị ứng đa dạng. Nguồn: bantinsuckhoe.vn

Các bước xử trí khi gặp nạn nhân dị ứng

Mục tiêu của bạn:

  • Đánh giá mức độ nghiêm trọng của phản ứng dị ứng
  • Tìm kiếm tư vấn y tế nếu cần thiết

Các bước xử trí:

 

  • Bước 1: Đánh giá các dấu hiệu và triệu chứng của nạn nhân. Hỏi xem họ đã phát hiện tiền sử dị ứng nào chưa.

 

  • Bước 2: Loại bỏ tác nhân khởi phát nếu có thể, hoặc di chuyển nạn nhân ra xa khỏi tác nhân.
  • Bước 3: Điều trị các triệu chứng. Cho phép nạn nhân dùng thuốc của họ đối với loại dị ứng đã biết.
  • Bước 4: Nếu bạn lo lắng về tình trạng nạn nhân, hãy tìm kiếm tư vấn y tế.

 

 

Bình tĩnh xử trí để trợ giúp nạn nhân dị ứng. Nguồn: St John Ambulance

Dự phòng các bệnh dị ứng

  • Nắm rõ các loại tác nhân khởi phát dị ứng bản thân đã từng gặp: loại thuốc nào, loại thức ăn nào, mùi hương, phấn hoa,…
  • Tránh tối đa các tiếp xúc với các tác nhân khởi phát dị ứng đã biết.
  • Sử dụng các thuốc dự phòng dị ứng thường xuyên theo phác đồ của bác sĩ, đặc biệt quan trọng đối với các bệnh nhân hen phế quản.
  • Luôn có sẵn các thuốc cắt cơn dị ứng trong người, ví dụ thuốc cắt cơn hen (salbutamol), thuốc cắt các dị ứng thông thường (kháng histamine),…
  • Nhờ đến sự trợ giúp của bác sĩ ngay lập tức nếu có bất kỳ dấu hiệu bất thường nào liên quan đến cơn dị ứng.

Nguồn socapcuu.com.vn