Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thì có hơn 59.000 người chết mỗi năm do bệnh dại, nguyên nhân chủ yếu là do chó cắn. Tại Việt Nam mỗi năm có hàng trăm người tử vong vì nguyên nhân này. Biện pháp hữu hiệu nhất để phòng bệnh dại khi bị động vật cắn là tiêm vắc-xin. Các bạn đã biết khi nào cần tiêm vắc-xin dại?

Bệnh dại với tỷ lệ tử vong khi đã phát bệnh lên tới 100%

Bệnh dại là bệnh do vi-rút lây truyền từ động vật sang người. Vi-rút dại chủ yếu lây truyền từ nước bọt của động vật sang người khi động vật cắn hay cào khiến da bị trầy xước, hoặc do bị động vật liếm, dính máu động vật bị dại vào vết thương, chỗ da bị trầy xước. Người mắc bệnh khi đã lên cơn dại thì không thể cứu chữa được. 

Vi-rút dại tấn công vào hệ thần kinh của con người – Nguồn Internet

Trong một vài năm gần đây tình trạng bị dại cho động vật cắn có xu hướng tăng trở lại, nhất là tại những khu vực miền núi. Năm 2019 tại Lương Sơn Hòa Bình có tới 5 người trong một gia đình bị chó cắn, trong đó có 3 người đã tử vong do không được xử trí đúng cách. Rất may khi phát hiện người đầu tiên trong gia đình bị dại do chó cắn thì hai thành viên khác đã được tiêm phòng và không có biểu hiện bệnh. 

Vết thương do động vật nào cắn có thể dẫn đến bệnh dại?

Các trường hợp bị dại từ trước tới nay chủ yếu là do chó cắn (khoảng 96%), ngoài ra mèo cắn/cào cũng có thể gây bệnh dại. Cũng có một số trường hợp  bệnh dại ở người được báo cáo là do vết cắn của mèo rừng, cầy, chó rừng, cáo, chó sói và một số ít động vật ăn thịt khác. Khỉ và chuột cắn rất hiếm khi lây bệnh dại. Ngựa và lừa thường trở nên hung hăng và cắn mạnh khi chúng bị bệnh dại. 

Các ca bệnh dại chủ yếu là do chó cắn – Nguồn Internet

Thông thường bệnh dại không có triệu chứng ngay lập tức. Vi-rút dại có thể trú ngụ trên người và gây bệnh trong tới 3 tháng sau.

Xử trí vết thương do động vật cắn để phòng bệnh dại 

  • Đầu tiên hãy rửa sạch vết thương bằng nước xà phòng trong ít nhất 15 phút 

Rửa vết thương sạch bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn làm giảm lượng vi-rút tại chỗ và giảm lượng vi-rút có thể xâm nhập vào cơ thể – Nguồn Internet

Ngoài ra, cũng có thể sử dụng nước sạch, các dung dịch sát khuẩn thông thường như cồn i-ốt, rượu cũng được dùng để làm sạch vết cắn, vết cào. Vi-rút dại rất nhạy cảm và dễ bị bất hoạt bởi các dung dịch kể trên. Sơ cứu tốt vết thương khi bị động vật cắn làm giảm tải lượng vi-rút dại tại chỗ, từ đó giảm thiểu số lượng vi-rút dại xâm nhập vào cơ thể nạn nhân có thể không đủ để phát triển và nhân lên thành bệnh.

  • Sau đó lấy hết dị vật nếu có trong vết thương do động vật cắn.

Trong quá trình sơ cấp cứu vết thương chú ý hạn chế làm dập nát, tổn thương thêm các tổ chức phần mềm xung quanh vết thương, tránh làm lan rộng vết thương.

Nếu vết thương do động vật cắn gây rách lớn cần phải khâu, nên cân nhắc không khâu kín vết thương khi không cần thiết. Trong trường hợp vết thương quá phức tạp, nên khâu mũi rời, ngắt quãng.

  • Cuối cùng khi bị động vật cắn hãy đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng uốn ván và tiêm phòng dại phù hợp.

Người bị chó đã tiêm phòng dại cắn có cần tiêm phòng dại không?

. Mặc dù động vật đã được tiêm phòng dại nhưng khi bị chúng cắn, vẫn nên tiêm phòng dại nếu vết cắn có trầy xước da hay chảy máu vì khi này vẫn có nguy cơ lây vi-rút dại từ con vật sang người bị cắn. Mặc dù con vật đã được tiêm vắc-xin nhưng chúng ta vẫn không biết rõ ràng tác dụng của vắc-xin tại thời điểm đó trên con chó.

Tiêm vắc-xin dự phòng bệnh dại sau khi bị cắn/cào hoặc tiếp xúc với nước bọt, máu  là bắt buộc nếu như con vật cắn người:

  • Bị chết
  • Biến mất trong thời gian 10 ngày theo dõi sau khi bị cắn
  • Có biểu hiện hành vi không bình thường, thất thường
  • Nếu kết quả XN chất liệu não của động vật nghi dại hoặc bị dại cho kết quả dương tính.

Bệnh dại hiện nay chưa có thuốc chữa trị, có tỷ lệ tử vong gần như 100%. 

Tiêm vắc-xin chủ động phòng bệnh dại có nguy hiểm?

Các vắc-xin dại hiện nay đều được chứng minh là an toàn với người sử dụng. Không có chuyện tiêm vắc-xin dại gây ra những ảnh hưởng lâu dài tới sự phát triển trí tuệ của trẻ em như những tin đồn.

Vắc-xin dại có thể chỉ định tiêm dự phòng trước phơi nhiễm (tức là trước khi bị động vật cắn) cho những nhóm đối tượng nguy cơ cao như: nhân viên chăm sóc động vật ở các sở thú, nhân viên kiểm lâm, người giết mổ động vật,… để phòng tránh bệnh dại hiệu quả nhất và vẫn an toàn cho người sử dụng.

Đào Thị Diễm My