Ngay từ khi có những ca nhiễm Covid-19 đầu tiên, nước ta đã áp dụng biện pháp công khai tên viết tắt và lịch trình di chuyển của bệnh nhân nhiễm COVID-19 trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên, vấn đề này đang ngày càng lộ rõ việc có một số bất cập, hãy cùng tìm hiểu cùng bản tin sức khỏe nhé!

Lợi ích của việc công khai danh tính và lịch trình di chuyển của bệnh nhân nhiễm Covid-19

Ngay từ khi đại dịch Covid-19 lây lan sang nước ta và có những ca nhiễm đầu tiên, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19, cùng với sự nỗ lực của ngành Y tế và các cấp, các ngành, công tác chỉ đạo, định hướng và bảo đảm cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí đã được Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan, đơn vị liên quan phối hợp thực hiện bài bản, chuyên nghiệp. Sự thống nhất này đã có những ưu điểm và đóng góp đáng kể trong công cuộc kiểm soát dịch bệnh Covid-19.

Lịch trình của bệnh nhân COVID-19 được công khai

Mỗi khi có ca nhiễm, các trang thông tin điện tử sẽ cung cấp cho người dân về thông tin cá nhân và lịch trình di chuyển của ca bệnh để người dân có thể nâng cao cảnh giác và tạo tâm thế chủ động giúp kiểm soát dịch bệnh tốt hơn. Qua các thông tin, người dân có thể nắm bắt và khoanh vùng được các khu vực dịch tễ và chủ động khai báo khi đã từng tiếp xúc với người bệnh. Như vậy, giúp cho Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 có thể rút ngắn được thời gian tìm kiếm những trường hợp f1, f2 trong cộng đồng.

Bất cập trong công khai danh tính và lịch trình di chuyển của bệnh nhân nhiễm Covid-19

Các thông tin của bệnh nhân sẽ được Trung tâm kiểm soát bệnh tật ở các địa phương cung cấp và được báo chí đăng tải. Như chúng ta đã biết, việc khai thác  thông tin bệnh nhân được các cán bộ y tế khai thác rất chi tiết và tỉ mỉ. Các thông tin này bao gồm: Tên, tuổi, quê quán, người tiếp xúc, thời gian tiếp xúc,…Các thông tin này được khai thác không chỉ là một hay hai ngày mà tính từ ngày có tiếp xúc với trường hợp F0 khác hoặc cách đó 14 ngày (đối với trường hợp không xác định được yếu tố dịch tễ).

Tuy nhiên, thực trạng mạng xã hội hiện nay rất phức tạp. Nhiều thành phần cá nhân lợi dụng tin tức của cá nhân để xâm phạm đời tư của người bệnh. Các nội dung cũng bị suy diễn nghiêm trọng gây ảnh hưởng đến danh dự và uy tín của người bệnh cũng như cuộc sống và gia đình của họ.

Mặc dù có những lợi ích không thể bỏ qua, tuy nhiên, chúng ta cũng cần đặt mình vào vị trí của các bệnh nhân để bảo vệ quyền lợi cho họ và để phù hợp hơn với quy định của pháp luật.

Giải pháp

Ngày 20/05/2021, Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề nghị Bộ trưởng Bộ Y tế – Phó trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19 chỉ đạo ngành Y tế và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật ở các địa phương bảo đảm cung cấp thông tin cho báo chí kịp thời, chuẩn xác về diễn biến của dịch bệnh Covid-19 để không lơ là, chủ quan nhưng không gây hoang mang,cần phát huy những kinh nghiệm, bài học tốt, nhưng cũng cần thay đổi những cách làm không còn phù hợp, trong đó có công tác truyền thông về dịch bệnh. Đặc biệt nhấn mạnh, không công bố cho báo chí danh tính, chi tiết về lịch trình di chuyển và chi tiết về quá trình tiếp xúc của bệnh nhân; chỉ công bố, khuyến cáo các điểm đến có nguy cơ về dịch tễ (nơi đã từng có người dương tính với COVID-19 đến) để người dân đã từng di chuyển, tiếp xúc tại khu vực đó thực hiện ngay các biện pháp tự bảo vệ mình và những người xung quanh theo hướng dẫn của ngành y tế.

Như vậy, với sự thay đổi này các bệnh nhân bị nhiễm COVID-19 sẽ được bảo mật thông tin và không phải lo lắng vì sợ dư luận mạng xã hội tấn công nữa. Mặc dù không cung cấp cụ thể lịch trình di chuyển của ca bệnh nhưng người dân vẫn có thể nắm bắt được các khu vực có yếu tố dịch tễ.

Nguồn tham khảo: Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội

Sam