Ly hôn có lẽ là một trong các quyết định vô cùng khó khăn của những cặp vợ chồng. Khi đối mặt với những sự đổ vỡ, chia ly của cuộc hôn nhân không hạnh phúc chắc hẳn không ai có thể tránh khỏi những sự xót xa đau buồn.
Đối với người lớn, họ có thể biết cách kiểm soát và kiềm chế cảm xúc của bản thân. Tuy nhiên, con trẻ lại hoàn toàn trái ngược, trẻ em sẽ bị tổn thương tâm lý nặng nề sau khi cha mẹ ly hôn. Đặc biệt là khi cha mẹ ly hôn đột ngột, không chuẩn bị kỹ càng để con có thể hiểu thấu đáo về sự việc. Một số sự biến đổi trong tâm lý của trẻ sau khi cha mẹ ly hôn như:
1. Khó kiểm soát cảm xúc, trở nên cáu kỉnh
Phản ứng đầu tiên của trẻ khi nghe được tin bố mẹ ly hôn là cáu kỉnh, tức giận và thậm chí là hoảng sợ – đặc biệt là ở trẻ dưới 10 tuổi. Lúc này, trẻ thường có suy nghĩ bố mẹ ly dị sẽ bỏ rơi và không quan tâm đến bản thân. Mức độ phản ứng của trẻ phụ thuộc vào độ tuổi và sự quan tâm, bảo bọc của gia đình đối với trẻ.
2. Tâm lý trở nên nhạy cảm
Tâm lý nhạy cảm là phản ứng chung của trẻ khi có cha mẹ ly hôn. Trong đó, sự nhạy cảm của trẻ nhỏ thường rõ rệt hơn. Ngược lại, trẻ lớn từ 15 tuổi trở lên phần nào có thể kiểm soát sự nhạy cảm của bản thân và thường ngấm ngầm chịu đựng những tổn thương, thay vì phản ứng quá khích như trẻ nhỏ.
3. Tâm lý tự dằn vặt bản thân
Một số trẻ cho rằng do bản thân hư hỏng, học không giỏi và không nghe lời bố mẹ nên cha/ mẹ mới bỏ đi. Trong trường hợp này, mặc cảm tội lỗi sẽ diễn ra trong một thời gian dài khiến trẻ tự dằn vặt bản thân và cảm thấy bi quan, buồn bã sâu sắc. Nếu không được khắc phục sớm, trẻ sẽ phải đối mặt với rất nhiều vấn đề tâm lý như căng thẳng thần kinh, trầm cảm, rối loạn lo âu.
4. Cảm giác bất lực, cô đơn, lạc lõng
Khi những nỗ lực giúp bố mẹ quay lại với nhau vì mong muốn cả gia đình có thể chung sống hạnh phúc như trước đây không mang lại bất cứ thay đổi gì, trẻ thường cảm thấy bất lực và vô vọng. Cảm xúc này thường đi kèm với sự buồn bã, bi quan, mặc cảm tội lỗi và tự dằn vặt bản thân. Với những trẻ có tính cách yếu đối và nhạy cảm, đả kích từ việc bố mẹ ly dị có thể khiến trẻ trở nên kiệm lời, sống khép kín và không muốn trò chuyện hay chia sẻ với bất cứ ai.
5. Xuất hiện tâm lý chống đối
Một số trẻ hình thành tâm lý chống đối khi bố mẹ ly hôn. Tâm lý và các hành vi chống đối có thể là cách để trẻ thu hút sự quan tâm, chú ý. Điều này bắt nguồn từ suy nghĩ bị bỏ rơi và trở thành người thừa thãi trong cuộc sống tương lai của bố, mẹ.
6. Không còn niềm tin
Trong mắt con trẻ, gia đình gần như là toàn bộ cuộc sống. Vốn dĩ, ý nghĩa thực sự của gia đình là sự đoàn kết, chia sẻ và là chỗ dựa vững chắc nhất cho con cái. Vì vậy, khi gia đình đổ vỡ, không chỉ người lớn mà cả con trẻ cũng mất đi niềm tin với mọi thứ. Sự đổ vỡ từ những điều tưởng chừng như chắc chắn khiến trẻ trở nên bi quan, vô vọng và không còn bất cứ niềm tin nào trong cuộc sống.
7. Sợ hôn nhân và ràng buộc
Sống trong gia đình không trọn vẹn khiến trẻ hình thành tâm lý sợ hôn nhân và sự ràng buộc. Bởi trẻ lo lắng gia đình nhỏ của mình cũng có thể đổ vỡ như cuộc hôn nhân của bố mẹ. Tâm lý này rất phổ biến ở trẻ có cha mẹ ly hôn, gia đình không hạnh phúc, thường xuyên có bất đồng và cãi vã.
Những sự tổn thương tâm lý của trẻ sau khi cha mẹ ly hôn là điều không tránh khỏi. Tuy nhiên, nếu cha mẹ tinh tế, biết cách quan tâm và chia sẻ với con sẽ giúp con dễ dàng vượt qua được nỗi đau tinh thần này và tiếp tục cố gắng cho tương lai.