Không đành lòng nhìn con chịu đau đớn, đày đọa thân xác anh nông dân nghèo mù chữ giành với vợ để thận của mình cho con. Gia đình vỡ òa vui mừng khi cuộc cắt ghép thận diễn ra thành công.
Chết lặng khi con mang trọng bệnh
Câu chuyện cảm động của tình mẫu tử vừa diễn ra tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, TPHCM. Cậu bé được chính cha ruột của mình lần thứ hai ban tặng sự sống là Thổ Văn Minh (9 tuổi, ngụ tại tỉnh Bình Thuận). Văn Minh là con thứ hai của anh Thổ Minh Thân (37 tuổi) và chị Văn Thị Hồng Lên (31 tuổi). Đầu năm 2020, sức khỏe của cậu bé bắt đầu có biểu hiện xấu với tình trạng xanh xao, ăn uống kém, hay mệt, khó ngủ, sụt cân…
Đưa con đến bệnh viện địa phương kiểm tra, đôi vợ chồng nghèo người đồng bào Chăm chết lặng khi bác sĩ chẩn đoán bé bị suy thận rất nặng. Từ sau khi phát hiện bệnh, cậu bé được bác sĩ chỉ định thực hiện phương pháp thẩm phân phúc mạc để duy trì sự sống. Tuy nhiên, bệnh diễn tiến ngày càng nặng, gia đình phải đưa Văn Minh vào TPHCM điều trị và chạy thận.
“Bác sĩ nói với chúng tôi, các phương pháp hiện tại chỉ có thể hỗ trợ cho con chứ không thể điều trị dứt điểm được tình trạng suy thận. Sau gần một năm phải nghỉ học chạy chữa, sức khỏe con tôi ngày càng xấu, lượng nước tiểu mỗi ngày một ít đi. Giải pháp được bác sĩ đưa ra là phải ghép thận mới giúp bé trở lại với cuộc sống gần như bình thường” – chị Hồng Lên tâm sự.hấ ể phóng to ảnh
Sau các thông tin phân tích và đánh giá chuyên môn của bác sĩ, anh Minh Thân đã “chiến thắng” trong cuộc đua với vợ để giành phần hiến thận cho con.
Nghe thấy giải pháp có thể cứu được con, vợ chồng anh Minh Thân mừng rơi nước mắt. Anh tâm sự: “Từ nhỏ gia đình khó khăn nên tôi không được đi học, không biết mặt chữ, đến cái tên của mình cũng chẳng viết được. Khi sinh ra hai đứa con, tôi luôn động viên các con đến trường học thật giỏi để thoát khỏi cảnh mù chữ như mình và có thể kiếm sống bằng con đường đi học, có nghề nghiệp ổn định về sau”.
Tuy nhiên, chẳng biết vì sao bé Minh lại bị căn bệnh suy thận mạn giai đoạn cuối, mơ ước con được học hành thành tài của vợ chồng anh Thân trở nên mong manh. “Thằng bé sẽ sống được bao lâu nữa, sẽ phải chịu đau đớn như thế nào là những nỗi đau luôn giằng xé khiến vợ chồng tôi ăn ngủ không yên. Chúng tôi quyết tâm bằng mọi giá phải cứu con mình” – người mẹ gạt nước mắt chia sẻ.
Thiêng liêng tình phụ tử
Cả hai vợ chồng đều muốn hiến một phần cơ thể của mình để cứu con. Cuộc đấu trí của họ diễn ra với trách nhiệm với gia đình và tình mẫu tử. Chị Hồng Lên tâm sự: “Anh ấy nói tôi là phụ nữ cơ thể yếu ớt nên thận sẽ không khỏe bằng đàn ông, chồng có sức khỏe nên cho con một quả thận cũng không ảnh hưởng gì. Nhưng tôi thì lo lắng vì anh là trụ cột, nguồn thu nhập từ công việc làm thuê của anh đang nuôi sống cả gia đình nên giành phần để mình hiến thận cho con. Tuy nhiên, chồng tôi nhất quyết không chịu, cả hai vợ chồng đành phải nhờ bác sĩ hỗ trợ trên các kết quả phân tích cho thấy cơ thể anh khỏe mạnh, thận hiến tặng tương thích với con nên anh sẽ là người hiến”.
Tuy nhiên, điều kiện kinh tế khó khăn, chi phí ghép thận tốn hàng trăm triệu đồng vượt quá khả năng chi trả của gia đình. Vợ chồng anh Thân đã quyết định bán đi mảnh đất ở quê, nhờ sự giúp đỡ của các mạnh thường quân, chi phí cho cuộc phẫu thuật cắt ghép thận của bố con anh chính thức được diễn ra ngày 23/3/2021.
TS.BS Phạm Ngọc Thạch, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 2 chia sẻ: “Từ câu chuyện xúc động về tình mẫu tử của người cha mù chữ và cậu con trai, chúng tôi quyết tâm thực hiện tốt nhất cho cuộc mổ cắt ghép. Trên thực tế, ca ghép này có sự chênh lệch giữa trọng lượng thận hiến của người cho và người nhận khá lớn nên ê kíp gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của cả ê kíp, sau 5 giờ khẩn trương trong phòng mổ, cuộc phẫu thuật cắt thận từ người cha và ghép cho người con đã diễn ra thành công”.
Tình yêu vô bờ của người cha đã lần thứ hai mang đến sự sống cho cậu con trai và niềm vui vỡ òa trong hạnh phúc của cả gia đình. Anh Thân nghẹn ngào: “Tôi đã xuất viện về quê được hơn một tuần, sức khỏe rất tốt. Tôi đang mong từng ngày để được gặp lại con mình, được thấy bé tung tăng chạy nhảy và cắp sách đến trường. Lần này cậu bé trở về, tôi cũng sẽ cố gắng học chữ để biết đọc, biết viết”.
Nguồn: Báo mới