“Ambulance” có nguồn gốc từ Latinh là “ambulare”, được sử dụng đầu tiên cho những xe vận chuyển người bệnh cấp cứu từ năm 1487 tại Tây Ban Nha. Ngày nay, trên thế giới, thuật ngữ “ambulance” được dùng cho những xe có hay không có vận chuyển người bệnh, tình trạng người bệnh có cấp cứu hay không cấp cứu.
Xe cứu thương “Emergency Ambulance” đúng nghĩa là xe cấp cứu người bệnh ở ngoài bệnh viện và vận chuyển người bệnh về bệnh viện để điều trị tiếp tại Úc.
Nếu xe chỉ để vận chuyển người bệnh từ nhà đến cơ sở điều trị hoặc từ cơ sở điều trị này đến cơ sở điều trị khác mà không có can thiệp điều trị cấp cứu tại hiện trường trước đó và không cần tiếp tục hồi sức trên đường chuyển thì được gọi là xe cứu thương “Ambulance”.
Ngược lại, nếu xe dùng để đến hiện trường ở ngoài bệnh viện để nhân viên y tế sơ cấp cứu và sau đó vận chuyển người bệnh về bệnh viện để tiếp tục điều trị, cần tiếp tục hồi sức trên xe thì được gọi là “Emergency Ambulance”.
Không chỉ phân biệt về chức năng của 2 thuật ngữ trên, tại một số nước còn quy định rõ 2 loại hình xe cứu thương:
Tại Úc:
- Đối với xe “Ambulance” thì không được trang bị hệ thống đèn ưu tiên gắn trên xe và không được trang bị còi hụ, nhân viên đi theo xe không nhất thiết là chuyên viên cấp cứu ngoài bệnh viện được đào tạo chính quy.
- Đối với xe “Emergency Ambulance” phải được trang bị hệ thống đèn ưu tiên và còi hụ, trên xe được trang bị đầy đủ các dụng cụ và phương tiện cấp cứu, nhân viên đi theo xe phải là chuyên viên cấp cứu ngoài bệnh viện được đào tạo chính quy (như EMT tại Mỹ hoặc Paramedic tại Úc).
Trung tâm Cấp cứu bang Victoria khuyến cáo người dân gọi ngay xe cứu thương “Emergency Ambulance” khi có một trong các dấu hiệu đe doạ tính mạng như sau:
- Đau ngực hoặc tức ngực
- Khó thở
- Đau dữ dội
- Bỏng diện rộng
- Tai nạn hoặc chấn thương nghiêm trọng
- Chảy máu nghiêm trọng
- Đột ngột bị tê hoặc liệt mặt, cánh tay hoặc chân
- Bất tỉnh
Tại Hồng Kông (Trung Quốc):
Có 2 loại dịch vụ cung cấp xe cấp cứu ở Hồng Kông, đó là
Dịch vụ xe cấp cứu khẩn cấp (Emergency Ambulance Service – EAS) và Dịch vụ vận chuyển bằng xe cấp cứu không khẩn cấp (Non-Emergency Ambulance Transfer Service – NEATS).
EAS được cung cấp cho những người đang trong tình trạng bệnh nặng cần can thiệp điều trị ngay lập tức trước khi nhập viện và chuyển đến bệnh viện để được chăm sóc y tế kịp thời, trong khi NEATS là loại hình dịch vụ vận chuyển cho những bệnh nhân có yêu cầu để được vận chuyển đến cơ sở y tế hoặc từ cơ sở y tế về nhà.
Thiết nghĩ, ở nước ta sớm có quy định như các nước nhằm giúp người dân và các cơ quan quản lý dễ dàng nhận diện và phân biệt được 2 loại hình xe cứu thương phổ biến hiện nay: xe vận chuyển người bệnh không trong tình trạng cấp cứu (Ambulance) và xe vận chuyển người bệnh trong tình trạng cấp cứu (Emergency Ambulance).
Trên đây là toàn bộ thông tin về Cách phân biệt xe vận chuyển người bệnh (ambulance) và xe cấp cứu (emergency ambulance).Hi vọng bài viết đã cung cấp cho bạn những thông tin hữu ích nhất. Hãy theo dõi các bài viết tiếp theo của Bản tin sức khoẻ bạn nhé!
Theo Medinet
Lan Anh