Cacbon monoxit (CO) là một khí không màu, không mùi, không vị nhưng lại có độc tính cao có thể gây chết người. Nhiều trường hợp thương tâm “cái chết thầm lặng” đã xảy ra ngay tại gia đình do ngộ độc khí CO. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp những kiến thức cơ bản để bạn đọc phòng tránh ngộ độc CO.
Khí CO là gì? Và do đâu mà có?
Khí CO hay là Cacbon monoxit, là một loại chất khí không màu, không mùi, không vị nên rất khó nhận biết nhưng lại có độc tính cao có thể gây chết người. Khí CO là sản phẩm từ quá trình cháy không hoàn toàn của cacbon và các hợp chất chứa cacbon như: than, xăng, dầu, gas, củi, phương tiện giao thông…
Điều gì xảy ra khi chúng ta hít phải khí CO cao hơn nồng độ bình thường?
Khi một người hít phải khí CO vào phổi, sự khuếch tán nhanh của khí này khi vào phổi dễ dàng vượt qua một số bộ phận như phế nang, màng mao mạch phế nang để vào máu. Chúng “chiếm lấy” các phân tử Hemoglobin trong hồng cầu bằng ái lực lớn hơn gấp trăm ái lực của oxy. Từ đó, hồng cầu không vận chuyển oxy mà thay vào đó là vận chuyển CO, oxy không thể đến được tế bào, gây tổn thương cho các cơ quan trong cơ thể đặc biệt là hệ thần kinh (não bộ) dẫn tới tử vong.
Bảng 1: Triệu chứng nhiễm độc của người khi tiếp xúc với CO ở các nồng độ khác nhau
Nồng độ (ppm) | Thời gian tiếp xúc | Triệu chứng và hậu quả |
200 | 2-3 giờ | Đau đầu nhẹ, mỏi mệt, buồn nôn, choáng váng |
400 |
>3 giờ | Đau đầu nặng Khó thở |
800 | 45 phút Trong vòng 2-3 giờ | Choáng váng, buồn nôn, co giật Tử vong |
1600 | 20 phút Trong vòng 1 giờ | Đau đầu, choáng váng, buồn nôn Tử vong |
3200 | Trong vòng 5-10 phút Trong vòng 1 giờ | Đau đầu, choáng váng, buồn nôn Tử vong |
6400 | 1-2 phút | Đau đầu, choáng váng, buồn nôn Tử vong |
Dấu hiệu nhận biết và cách xử trí ngộ độc CO?
Các triệu chứng lâm sàng của ngộ độc CO rất khác nhau và phần lớn không đặc hiệu, rất khó nhận ra. Khi bị nhiễm độc CO ở mức độ nhẹ đến trung bình, nạn nhân thường có các triệu chứng như: Đau đầu (phổ biến nhất), khó chịu, buồn nôn và chóng mặt…
Trong trường hợp sử dụng các thiết bị có khả năng sinh khí CO, nếu gặp các biểu hiện ở hệ thần kinh từ lú lẫn nhẹ đến co giật và hôn mê thì nên nghĩ đến khả năng bị ngộ độc CO, phải được đưa ngay tới cơ sở y tế để được khám và điều trị phù hợp.
Xử trí ra sao?
Nếu nghi ngờ có người nhà bị nhiễm độc CO, phải đưa ngay nạn nhân ra chỗ thoáng khí và kiểm tra cẩn thận các nguồn có thể phát sinh khí CO trong và xung quanh nhà (xem thêm phần dự phòng).
Nhiễm độc CO đặc biệt nguy hiểm với một số nhóm người như:
- Người cao tuổi, trên 65 tuổi.
- Người có tiền sử hoặc yếu tố nguy cơ bệnh tim.
Phòng ngừa ngộ độc CO tại gia đình như thế nào?
Để giảm thiểu tối đa nguy cơ nhiễm độc CO trong gia đình bạn hãy:
- Không đốt than, dùng bếp lò để sưởi ấm.
- Không để các thiết bị đốt nhiên liệu (máy phát điện, ô tô, xe máy,….) đang hoạt động trong không gian kín.
- Thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng các loại thiết bị chạy bằng gas, dầu và than, đảm bảo các van an toàn hoạt động tốt. Luôn tắt chúng khi không sử dụng và trước khi đi ngủ.
- Xem xét lắp đặt các thiết bị đo nồng độ khí CO tại nơi sinh hoạt và làm việc nếu có sử dụng các thiết bị phát sinh CO.
- Khi sử dụng máy phát điện, nếu có thể nên dùng bên ngoài không gian của nhà và đặt cách xa cửa sổ, cửa ra vào, lỗ thông gió ít nhất 6 mét.
- Dùng các thiết bị lọc không khí trong nhà hoặc trong ô tô.
- Không ngủ trong ô tô, ga-ra ngay cả khi đã mở kính xe.
Đào Thị Diễm My